Hôm 5/6, bác sĩ Kashyap Patel, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chăm sóc Ung thư và Máu Carolina, nói với tờ Post về giả thuyết liệu Covid-19 có phải là tác nhân thổi bùng lên ngọn lửa ung thư?
Giả thuyết của ông bắt nguồn từ tình trạng gia tăng đáng lo ngại những ca bệnh bất thường từ cuối năm 2020 đến nay. Theo đó, phòng khám ung thư của Patel ghi nhận hơn 15 bệnh nhân mắc đồng thời nhiều loại ung thư, hơn 35 trường hợp bị ung thư hiếm gặp và 15 cặp vợ chồng mắc ung thư mới. Đặc biệt, những loại ung thư hiếm như đường mật, vốn chỉ tấn công người từ 70 đến 80 tuổi, nay xuất hiện ở người 30 tuổi.
Patel giải thích người nhiễm nCoV nhiều lần có thể tăng khả năng mắc ung thư. Căng thẳng, stress kéo dài liên quan đến đại dịch cũng khiến tình trạng viêm nhiễm thêm trầm trọng. Theo Patel, nếu tìm được mối liên hệ giữa virus và ung thư, các bác sĩ có thể xác định những bệnh nhân nguy cơ cao, tiến hành sàng lọc sớm hơn, sử dụng thuốc chống viêm dự phòng cho một số người.
David Tuveson, giám đốc Trung tâm Ung thư tại Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor, cựu chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ, nhận định không có bằng chứng cho thấy nCoV trực tiếp biến đổi tế bào, chuyển hóa chúng thành ung thư. Nhưng theo Tuveson, giả định của Patel vẫn có khả năng xảy ra.
Trích dẫn nghiên cứu nhỏ công bố vào tháng 9/2023, ông Tuveson cho biết nCoV có thể gây ra đợt viêm nhiễm. Các phản ứng kéo theo đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ung thư. Ông phỏng đoán nó giống với các tác nhân từ môi trường như thuốc lá, rượu, amiăng hay hạt vi nhựa.
Thực tế, cơ thể con người được tạo thành từ hàng nghìn tỷ tế bào trong trạng thái tăng trưởng, liên tục sửa chữa và chết đi. Hầu hết tế bào có DNA hư hỏng đều tự sửa chữa hoặc đơn giản là biến mất. Đôi khi, chúng thu thập các lỗi trong mã di truyền, sau đó mất kiểm soát, biến thành khối u, phá hủy các bộ phận của cơ thể.
Dựa trên lý thuyết này, Afshin Beheshti, chủ tịch nhóm Nghiên cứu Covid-19 Quốc tế, đã xem xét cách đối phó với virus trong thời kỳ đại dịch. Ông nhận thấy tình trạng viêm lan rộng sau nhiễm virus, tác động lên hệ thống mạch máu, lây nhiễm sang các cơ quan dễ tổn thương bởi sự phát triển của tế bào ung thư.
Một năm trước Beheshti liên hệ với bác sĩ Patel để tổ chức hội nghị chuyên đề, kết luận bằng chứng thuyết phục cho thấy Covid-19 có liên quan đến ung thư.
"Hy vọng chúng tôi đã sai, nhưng thật không may, mọi bằng chứng chỉ ra điều đó", Beheshti nói.
Các thành viên của nhóm nghiên cứu đang cố gắng giải đáp câu hỏi về nhiễm nCoV, Covid-19 kéo dài và ung thư. Riêng bác sĩ Patel xem xét "dạng bất thường của bệnh ung thư", dựa trên những ca bệnh ghi nhận từ năm 2021. Ông có động lực làm điều này sau khi chứng kiến những người trẻ tuổi qua đời quá sớm vì ung thư.
Thu thập dữ liệu từ gần 300 bệnh nhân, bác sĩ Patel muốn thành lập cơ quan phân tích xu hướng ung thư cấp quốc gia.
Dù vậy, một số chuyên gia bác bỏ giả thuyết trên. John T. Schiller, nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia, người tiên phong nghiên cứu virus gây ung thư, cho biết các mầm bệnh gây ra ung thư thường tồn tại lâu trong cơ thể. Tuy nhiên, nhóm virus hô hấp, gồm cúm, RSV hay nCoV thường biến mất sau khi lây nhiễm, không thể gây ung thư.
Một số nhà khoa học khác cho rằng sự gia tăng của các ca ung thư giai đoạn cuối, nguy hiểm kể từ sau đại dịch là hệ quả của gián đoạn chăm sóc sức khỏe từ năm 2020.
Có thể phải mất nhiều năm nữa, thế giới mới có câu trả lời thuyết phục về việc liệu Covid-19 có phải thủ phạm của tình trạng này hay không. Tuy nhiên, Patel và các nhà khoa học liên quan kêu gọi chính phủ Mỹ tập trung giải quyết câu hỏi này, bởi nó có thể tác động đến việc điều trị hàng triệu bệnh nhân trong thập kỷ tới.
"Chúng ta hoàn toàn chưa nghiên cứu đầy đủ về loại virus này (Covid-19). Tác động của việc tái nhiễm virus trong suốt cuộc đời có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mọi người đang nghĩ", Douglas C. Wallace, nhà di truyền học, chuyên gia sinh học tiến hóa tại Đại học Pennsylvania, cho biết.
Thục Linh (Theo Washington Post)