Hà Linh -
Đến nay, gần 140 năm sau khi Dickens qua đời (1870), di chúc của ông trở thành tâm điểm tranh cãi giữa người hâm mộ và con cháu nhà văn.
Hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh Dickens (1812 - 2012), hậu duệ của ông cho rằng, đã đến lúc cần phải "bước qua di chúc" để tiến hành xây dựng bức tượng tưởng niệm nhà văn tại Eastgate, Rochester - địa danh xuất hiện trong rất nhiều tiểu thuyết của Dickens.
Tượng Dickens ở Philadelphia. |
Mark Charles Dickens, chắt trai của nhà văn khẳng định, "bây giờ mới xây tượng Dickens là việc làm quá chậm".
Ian Dickens, một hậu duệ khác bày tỏ: "Đồng quan điểm với Mark, tôi tán thành việc dựng tượng nhà văn một cách trân trọng. Nếu xây được một ở Rochester, một ở Portsmouth và một ở London lại càng tốt".
Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các tổ chức và bạn đọc hâm mộ Dickens. Tổ chức Dickens Fellowship cho rằng, việc xây tượng sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của một nhà văn khiêm tốn, giản dị như Dickens.
Christine Furminger, một độc giả của Dickens nói: "Charles Dickens đã viết rất rõ ràng trong di chúc. Và với sự hiểu biết của ông về pháp luật, ông sẽ không viết ra những điều tâm nguyện để cho người ta phớt lờ nó. Thật là ngạo mạn và thô lỗ khi cố tình đi ngược di chúc của nhà văn".
Trước sự bất đồng này, một số ý kiến đề xuất, việc tưởng niệm Charles Dickens vẫn cần được tiến hành, nhưng không nhất thiết phải dựng tượng nhà văn.
"Tôi vẫn muốn có cái gì đó để vinh danh Charles Dickens. Nhưng không nhất thiết phải dựng tượng nhà văn. Chúng ta có thể dựng tượng nhân vật của ông hoặc thiết kế một vườn tưởng niệm", Julie Shaw, đại diện Hội đồng thị trấn Medway, Kent, Anh góp ý.
Bức tượng Dickens duy nhất trên thế giới có kích cỡ lớn bằng người thật của nhà văn được đặt tại Philadelphia, Mỹ. Được tạc vào năm 1894, nó vốn là món quà người Mỹ tặng người Anh. Nhưng không thèm ngó qua, con trai của Dickens đã ngay lập tức gửi trả nước Mỹ với lý do, di chúc của cha ông đã không được tôn trọng.
- Một số di chúc đặc biệt của các nhà văn
* Trước khi tự kết liễu đời mình bằng một phát súng lạnh lùng, tiểu thuyết gia Hunter S. Thompson căn dặn trong di chúc rằng, tro của ông phải được bắn lên trời từ một khẩu đại bác. Ông muốn, khẩu súng được nam tài tử Johnny Depp - bạn ông - châm ngòi.
* Giai thoại kể lại rằng, lúc lâm chung, nhà thơ Virgil yêu cầu những người có mặt bên giường bệnh của ông đốt kiệt tác Thần khúc. Nhưng trước sự van nài của nhiều thế hệ học giả, ý nguyên của Virgil đã bị bỏ qua.
* Max Brod, bạn thân của tiểu thuyết gia hiện sinh Franz Kafka cũng từ chối thực hiện di chúc của nhà văn. Kafka đòi Brod hủy bỏ các tác phẩm chưa xuất bản của mình.
* Trong di chúc của mình, tử tước Horatio Nelson dành một phần lớn cho cô tình nhân Lady Hamilton. Ông viết: "Tôi để lại Emma Lady Hamilton cho nhà Vua và đất nước. Tôi muốn họ cung cấp cho nàng một khoản đủ dư dật để nàng được sống phong lưu". Sau khi Nelson qua đời, Lady Hamilton không nhận được đồng xu nào từ phía nhà nước.
(Nguồn: Independent)