Ngày 21/3, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh chưa có quyết định cho phép tổ chức một phần cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế trong động Thiên Đường (xã Sơn Trạch, Bố Trạch).
Cuộc thi dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, ở một số địa điểm tại Việt Nam, trong đó Quảng Bình được chọn để tổ chức phần thi trang phục dân tộc với sự tham gia của thí sinh đến từ hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tỉnh Quảng Bình và Ban tổ chức đã làm việc sau khi khảo sát địa điểm tổ chức phần diễn trang phục dân tộc. Hai phương án đưa ra là động Thiên Đường và một khu nghỉ dưỡng.
Ông Dũng cho rằng nếu tổ chức ở động Thiên Đường thì đây sẽ là lần đầu tiên trên thế giới một cuộc thi hoa hậu quốc tế được tổ chức trong hang động. Trước đó động Thiên Đường từng là địa điểm truyền hình trực tiếp chương trình lễ hội hang động, "không ảnh hưởng đến bảo tồn thiên nhiên".
“Cái dở nhất của địa điểm này là khán giả vào xem không được bao nhiêu vì sức chứa của động không lớn. Còn ảnh hưởng thì tôi nghĩ chỉ một số tour bị đình trệ nhằm phục vụ tổ chức cuộc thi”, ông Dũng nói.
Cũng cho rằng việc tổ chức phần trình diễn trang phục dân tộc trong động Thiên Đường không ảnh hưởng đến bảo tồn thiên nhiên, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, lập luận: “Trong động có thang gỗ dài hơn 1,1 km được thiết kế cùng lúc cho hơn 1.500 người tham quan, trong khi chương trình này dự kiến khoảng 200 người tham gia. Nếu đưa cuộc thi vào đây tổ chức thì giá trị của du lịch Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều”.
Bà Võ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Trường Thịnh - đơn vị khai thác du lịch tại động Thiên Đường, cho hay động được thiết kế thang gỗ, mỗi ngày có thể đón hàng nghìn khách. “Trước đây từng tổ chức chương trình lễ hội hang động ở đây rồi nên việc tổ chức một phần cuộc thi hoa hậu trong động cũng sẽ không ảnh hưởng gì”, bà Anh nói.
Trái với quan điểm trên, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ bàng, cho rằng bất cứ hoạt động nào của con người dù ít hay nhiều đều tác động đến các giá trị, làm thay đổi môi trường trong hang động. Khi tụ tập đông người, lượng khí CO2 thải ra tăng lên, sẽ làm cho màu sắc tự nhiên của khối thạch nhũ thay đổi, không còn sáng bóng, lấp lánh như bây giờ.
"Các hoạt động như ánh sáng cường độ lớn và dài cũng như hơi người làm nhiệt độ ấm lên, kích thích các loại rêu mốc, địa y, làm thành vách, khối thạch nhũ mất đi vẻ đẹp. Cả âm thanh cường độ lớn, cũng có thể tạo cộng hưởng, tác động đến khối thạch nhũ”, ông Tịnh phân tích.
Giám đốc Tịnh không đồng tình với ý kiến cho rằng trước đây từng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp tại động Thiên Đường nhưng không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. “Nói không ảnh hưởng là không đúng. Có nhiều cái mình không nhìn thấy tức thời. Có nhiều thứ ảnh hưởng về lâu dài mới phát hiện ra, còn những việc như con người bẻ thạch nhũ hay sờ mó… thì đó chỉ là ảnh hưởng phát hiện tức thời”, ông Tịnh nói.
Động Thiên Đường nằm trong phân khu rừng phục hồi sinh thái, thuộc vùng lõi núi đá vôi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Động được phát hiện năm 2005 do Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, với tổng chiều dài 31,4 km. Do vẻ đẹp của nhũ đá và măng đá trong động, họ đặt tên động này là Thiên Đường.
Thiên Đường là động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của các nhà khoa học, so với động Phong Nha thì động Thiên Đường có chiều dài và quy mô lớn hơn nhiều. Trong hang động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Nhiệt độ bên trong động luôn chênh lệch so với bên ngoài khoảng 16 độ C.
Tiến Hùng