Hiệp hội Bóng đá Indonesia (FAI) hôm 4/10 nói rằng một số cánh cổng ở sân vận động Kanjuruhan ở Malang, tỉnh Đông Java, vẫn khóa chặt trong lúc hàng nghìn khán giả hoảng loạn tìm lối thoát khi lực lượng an ninh dùng hơi cay để trấn áp cuộc bạo loạn nổ ra sau trận đấu tối 1/10.
Cơ quan này cho hay những cánh cổng sắt khóa kín là một trong những yếu tố gây ra thảm kịch giẫm đạp tồi tệ nhất trong lịch sử thể thao Indonesia, khiến 131 người chết và hàng trăm người bị thương.
FAI tuyên bố đã cấm vĩnh viễn giám đốc điều hành và người phụ trách an ninh của đội chủ nhà Arema vì đã không đảm bảo được an toàn cho sân vận động và không ra lệnh mở cổng khi bạo loạn nổ ra.
Bạo lực bùng phát trên sân cỏ sau khi đội Arema để thua đội khách Persebaya Surabaya với tỷ số 2-3. Hàng nghìn người hâm mộ đội Arema tức giận tràn xuống sân và cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán đám đông, gây ra cảnh hỗn loạn. Khi hơi cay được bắn lên khán đài, đám đông hoảng hốt tháo chạy về phía cổng, gây ra vụ giẫm đạp.
Một số nhân chứng sống sót sau vụ giẫm đạp cũng kể rằng nhiều cổng ở sân vận động đã bị khóa, khiến đám đông không thể thoát ra. "Cổng tử thần" được các nhân chứng nhắc tới nhiều nhất là Cổng 13 của sân vận động.
Theo khuyến cáo của FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á, tất cả lối ra vào tại sân vận động phải được mở mọi lúc trong trận đấu vì mục đích an toàn và cảnh sát cũng được đề nghị không sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông trên sân.
Prasetyo Pujiono, 32 tuổi, người đã xem trận đấu với các bạn gần Cổng 13, cho hay anh bị lạc mất các thành viên trong nhóm khi hỗn loạn nổ ra vì đạn hơi cay của cảnh sát. Mọi người khi đó đều túa ra Cổng 13 để tìm cách thoát thân.
"Chúng tôi không thể ở lại bên trong sân được nữa, ai cũng muốn thoát ra ngoài, nhưng cánh cổng đã bị khóa lại. Đó là lý do hầu hết nạn nhân chết vì bị giẫm đạp hoặc ngạt thở", Pujiono kể. "Tôi nhớ nhiều người đã hét lên rằng họ không thể thở được và bị cay mắt".
Đám đông sau đó đã tìm cách phá được bức tường cạnh Cổng 13 để thoát khỏi sân vận động Kanjuruhan. Dấu vết của thảm kịch là một lỗ hổng lớn trên tường, cùng dòng chữ nguệch ngoạc "Tạm biệt các anh chị em của tôi. Ngày 1/10/2022".
Trong khi đó, cảnh sát Indonesia bác bỏ thông tin các cánh cổng tại sân vận động Kanjuruhan bị khóa kín, cho rằng chúng vẫn mở nhưng quá hẹp để tất cả khán giả có thể chạy qua. Lực lượng cảnh sát tại Indonesia đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong cách xử lý bạo loạn trên sân trước khi vụ giẫm đạp xảy ra.
Cảnh sát Indonesia cho biết các cuộc điều tra đang tập trung vào camera an ninh tại 6 trong 14 cổng ở sân vận động, nơi có nhiều người thiệt mạng nhất. Dedi Prasetyo, người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, nói các cổng này "không khóa nhưng quá nhỏ".
"Mỗi cổng chỉ đủ để hai người đi qua cùng lúc, trong khi hàng trăm người đang dồn về", Prasetyo nói, thêm rằng việc quản lý các cổng này là trách nhiệm của ban tổ chức trận đấu.
Hàng trăm người hâm mộ đội Arema và cư dân địa phương những ngày qua đã tới Cổng 13 và Cổng 12 tại sân vận động Kanjuruhan để tưởng niệm các nạn nhân. Họ đặt hoa, khăn quàng của đội Arema xung quanh cổng sân vận động và cùng nhau cầu nguyện.
Pujiono nói rằng anh cùng các bạn đã phải di chuyển hơn 20 thi thể tại Cổng 13 để lấy lối ra khỏi sân.
"Họ thật đáng thương. Rất nhiều người đã gục chết ở cổng 13. Chúng tôi không thể ra ngoài nếu không di chuyển các thi thể. Vì vậy, tôi cùng các bạn đã khiêng họ vào sân", anh nói.
Mahfud MD, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, hôm nay cho biết Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu hoàn tất cuộc điều tra về thảm kịch trong một tháng.
Cảnh sát trưởng tỉnh Đông Java đã xin lỗi vì những thiếu sót trong quá trình đảm bảo an ninh. Cảnh sát trưởng thành phố Malang cùng 9 cảnh sát khác bị cách chức, trong khi 18 sĩ quan bị điều tra liên quan đến quyết định bắn hơi cay vào đám đông.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)