Sáng 22/7, sau một ngày tranh luận, TAND Hà Nội quay lại phần xét hỏi khi đại diện Tổng Công ty viễn thông Mobifone đến tòa để làm rõ các tranh cãi liên quan định vị cuộc gọi của ông Trần Hùng, cựu cục phó Quản lý thị trường, Bộ Công thương.
Ông Hùng bị VKS đề nghị 9-10 năm tù với cáo buộc Nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho hành vi sản xuất sách giả của Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát). Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị xác định đã Môi giới hối lộ.
Tuy nhiên, suốt 3 ngày xét xử ông Hùng đều kêu oan, cho rằng không nhận tiền của Thuận thông qua Hải. "VKS hoàn toàn sai lầm khi cáo buộc tôi nhận hối lộ. Trước kia tôi còn là Cục phó thì vụ sách giả này với tôi rất đơn giản. Nhưng tôi biết càng đấu tranh thì quyền của tôi càng bị thu gọn...", ông Hùng lớn tiếng, song bị HĐXX ngắt lời.
Bào chữa cho ông Hùng, luật sư cho rằng VKS chỉ dựa vào lời khai "nhiều mâu thuẫn" của Hải để buộc tội ông Hùng mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác. Lúc đầu, Hải khai đưa tiền cho ông Hùng vào ngày 20/7/2020 nhưng sau đó lại thay đổi lời khai nói ngày đưa tiền là 15/7/2020.
Luật sư đặt câu hỏi về sự khách quan khi VKS dựa vào lời khai về việc đưa tiền cho ông Hùng mà thay đổi đến 10 lần. "Thật nguy hiểm khi VKS lại lấy lời khai cuối cùng của Hải, khác với 10 lời khai còn lại, để làm căn cứ buộc tội. Trong khi đó lời khai này còn không xác định được thời gian, địa điểm nên liệu có đủ căn cứ chứng minh hay không", luật sư lập luận.
Theo luật sư, tại tòa, bị cáo Hải xác nhận đưa tiền cho Trần Hùng vào khoảng 13h ngày 15/7/2020. Tuy nhiên, cáo buộc của VKS không nêu cụ thể thời gian mà chỉ ghi là "đầu giờ chiều".
"Vấn đề đặt ra ở đây là đầu giờ chiều, theo VKS là 12h, 13h hay 14h", luật sư nói, cho rằng đây là điểm mâu thuẫn khi trưa 15/7/2020 ông Hùng ăn cơm ở nhà vì hôm đó gia đình có đám giỗ. Hải cũng khai, biết hôm đó nhà ông Hùng có giỗ nhưng "cũng lại khai đầu giờ chiều hôm đó đưa tiền cho ông Hùng".
Viện dẫn các "chứng cứ" thu thập từ nhà mạng Mobifone, luật sư cho hay thời gian Hải gọi điện cho ông Hùng ở 2 khoảng cách địa lý xa nhau. Theo dữ liệu trích xuất, từ 11h44 đến 14h02 ngày 15/7/2020, cột sóng định vị ông Hùng ở quận Ba Đình. Song cùng thời gian này, định vị của Hải lại ở quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng.
Việc giao tiền diễn ra ở trụ sở cơ quan ông Hùng ở quận Hoàn Kiếm nên luật sư đặt giả thuyết "việc ông Hùng về nhà rồi lại trở lại cơ quan để nhận tiền là không khả thi".
Giải đáp về các vấn đề trích xuất dữ liệu điện thoại, đại diện Mobifone cho biết, trong quá trình sử dụng thuê bao di động có thể di chuyển. Bởi thế tại thời điểm thuê bao di chuyển giữa ranh giới của hai cột phát sóng thì cột sóng nào mạnh hơn sẽ ghi nhận thuê bao ở cột đó. "Cũng có thể tin nhắn ghi nhận ở cột sóng này nhưng cuộc gọi lại được ghi nhận ở cột sóng khác", đại diện Mobifone nói và khẳng định "mọi tài liệu cung cấp được trích xuất trên hệ thống của nhà mạng nên rất chính xác".
Về quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng, đại diện Mobifone nói chỉ cung cấp dữ liệu thuê bao khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước, dựa vào thông tư của TAND Tối cao và Bộ Công an. Bên nhà mạng thường chỉ cung cấp ngày giờ cuộc gọi, định vị cột phát sóng, chứ không cung cấp nội dung cuộc gọi.
VKS nêu nguồn chứng cứ buộc tội ông Trần Hùng
Đối đáp lại, đại diện VKS khẳng định có đủ căn cứ kết luận bị cáo nhận hối lộ 300 triệu đồng thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải. VKS phản bác lập luận của các luật sư cho rằng "chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hải mà không có nhân chứng, vật chứng".
Các luật sư yêu cầu phải đưa ra chứng cứ vật chất để chứng minh nhưng VKS cho rằng phải hiểu rõ về "nguồn chứng cứ" theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nguồn chứng cứ có nghĩa là từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất. "Nguồn chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định. Hơn nữa, để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic", đại diện VKS nói.
Trong vụ án này, VKS cho rằng lời khai của Hải "rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm" và phù hợp với các chứng cứ khác. Luật sư đưa ra các viện dẫn về định vị cột sóng nhưng VKS cho hay chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Trần Hùng có ở đó hay không.
VKS khẳng định, từ 13h10 đến 13h15 là khoảng thời gian bị cáo Hải đưa tiền cho Trần Hùng. Trước đó, lúc 12h59 đã phát sinh cuộc gọi giữa ông Hùng và Hải.
Tranh luận lại, luật sư một lần nữa cho rằng từ 12h59 đến 13h36 ông Trần Hùng không ở cơ quan. Tuy nhiên, HĐXX chốt rằng VKS đã kết luận về thời gian nhận tiền nên luật sư cần tập trung "gỡ" đoạn này.
Theo hồ sơ, sau khi bị phát hiện 27.300 cuốn sách giáo khoa giả, bà Thuận với Nguyễn Duy Hải nhờ ông Hùng "tha" với điều kiện sẽ chi 400 triệu đồng. Sau cuộc trao đổi với Hải, ông Hùng "hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc", chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi.
Sáng 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng của Thuận đựng trong túi nylon màu đen đến phòng làm việc ông Hùng nhưng bị đuổi về. Đầu giờ chiều cùng ngày, Hải cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho ông Hùng.
Ngoài ra, bà Thuận còn nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương và Đội Quản lý thị trường 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng sau khi sự việc ở Phú Hưng Phát chỉ bị xử phạt hành chính. Nhận số tiền này, Phương chia cho hai cấp dưới 11 triệu đồng, còn giữ lại cho cá nhân.
Hải bị VKS đề nghị 1 năm 11 tháng tù, bằng thời gian tạm giam, về tội Môi giới hối lộ.
Trong ba người ở Đội Quản lý thị trường 17 bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Lê Việt Phương (cựu đội phó) bị đề nghị 30-36 tháng tù; Phạm Ngọc Hải 24-30 tháng tù treo và Thành Thị Đông Phương 18-24 tháng tù treo.
Ở nhóm bị cáo Sản xuất, buôn bán hàng giả, bà Cao Thị Minh Thuận bị đề nghị 11-12 năm tù; 31 người còn lại bị đề nghị 24-30 tháng tù treo đến 7-8 năm tù.
Phạm Dự - Thanh Lam