"Nhìn xem, cô ăn mặc thiếu vải thế kia, lại còn chia sẻ ảnh lên mạng", Li Xiang, một nhân viên truyền thông ở Thượng Hải, nhớ lại lời bạn trai vài tuần trước. "Tôi phát điên lên khi anh ta còn nói rằng 'cô nên đi hỏi những người đàn ông khác xem liệu họ có thích bạn gái mình ăn mặc như thế không' ", cứ như anh ta quyết định những gì tôi mặc, như thể tôi là thứ phụ thuộc vào anh ta vậy".
Khi Li chia tay bạn trai chỉ vì một bức ảnh selfie cô đăng trên mạng xã hội, vấn đề không chỉ là phụ nữ muốn cho đàn ông biết rằng anh ta không có quyền bảo cô phải ăn mặc thế nào ở nơi công cộng mà là sự đấu tranh giữa quyền tự do cá nhân, các tiêu chuẩn xã hội và truyền thống văn hóa.
Câu chuyện của họ không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhất là trong tháng qua, khi cuộc tranh cãi về quyền tự do ăn mặc của phụ nữ bùng nổ trên mạng xã hội. Cuộc tranh cãi xuất phát từ một bài báo bảo vệ nữ diễn viên người Kazakh Nhiệt Y Trát (Reyizha Alimjan) được đăng tải trên một tài khoản WeChat hôm 12/8. Nữ diễn viên này trước đó bị chỉ trích là ăn mặc phản cảm khi diện quần jeans và chiếc áo hai dây mỏng màu vàng, cổ trễ sâu, đến sân bay Thượng Hải hồi cuối tháng 7.
Trong khi nhiều phụ nữ ủng hộ quan điểm của bài báo, những người khác không đồng tình và cho rằng dù xã hội cởi mở và khoan dung, mọi người vẫn có quyền phản ứng trước việc ăn mặc phản cảm.
Một cuộc thăm dò về việc phụ nữ mặc áo 2 dây nơi công cộng tình cờ được thực hiện hôm 10/8 trên WeChat cho kết quả 70% trong số gần 14.000 người được hỏi nói rằng họ không dám mặc như thế. Hơn 40% tránh ăn mặc gợi cảm vì những lý do như họ nghĩ mình "không đủ thon thả", nhưng 25% cho hay họ không mặc áo 2 dây vì bạn trai không thích/không cho phép mặc, hoặc sợ bị quấy rối.
Theo Joy Lin, một nhà nữ quyền ở Thượng Hải, cuộc tranh cãi về chuyện trang phục của phụ nữ trở nên gay gắt vì đó không chỉ là vấn đề ăn mặc.
"Đó hơn nữa là sự đánh giá của mọi người về tính cách và đạo đức của một người đằng sau những gì cô ấy mặc", Lin nói. "Nếu bạn mặc quần áo hở hang, họ sẽ nói bạn đang mời gọi người khác quấy rối. Nếu bạn mặc kín đáo, người ta bảo bạn là cứng nhắc. Và nếu bạn ăn mặc bình thường, người ta lại gọi bạn là 'dama' (từ lóng trong tiếng Trung Quốc, thường mang ý xúc phạm đối với phụ nữ già và trung niên)".
Lin cho biết nếu cô xuất hiện trên đường phố Thượng Hải, thành phố quốc tế hóa nhất Trung Quốc, mà không mặc áo lót, cô sẽ nhận được cái nhìn dò xét từ những người qua đường trước khi đi được 10 mét. Ngược lại, khi cô làm điều này ở Paris hồi tháng 7, "không ai nhìn tôi hay đến gần tôi cả".
"Thông thường, khi bình luận về những gì chúng tôi mặc, họ không nói liệu chiếc váy có hợp với kiểu tóc đó hay những thứ tương tự như thế không mà là về cơ thể của chúng tôi, rằng chúng tôi có thon thả không, đại loại như thế", Lin nói về xã hội Trung Quốc. "Một số bình luận có thể rất ác ý và xúc phạm".
Dù việc chê bôi phụ nữ về những gì họ mặc đã tồn tại nhiều năm nay, vấn đề này chỉ được nâng lên tầm nhận thức dư luận ở Trung Quốc sau khi phong trào #MeToo bùng nổ ở Mỹ. Chiến dịch lan truyền trên mạng xã hội từ năm 2017 khi hàng chục phụ nữ cáo buộc nhà sản xuất phim Harvey Weinstein tấn công tình dục họ suốt gần 30 năm.
Lu Peng, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho rằng cuộc tranh cãi trực tuyến thể hiện những xung đột giữa một bên là khao khát tự do, tiêu chuẩn về giới và một bên là những thế hệ truyền thống.
"Sẽ khó có sự đồng thuận cho câu hỏi rằng liệu phụ nữ có quyền tự do ăn mặc hay không", ông Lu nói. "Nhưng nếu cuộc thảo luận này khiến mọi người nhận ra rằng đàn ông, chứ không chỉ phụ nữ, cũng đối mặt với những hạn chế trong ăn mặc, thì khi đó nó mang lại sự tiến bộ".
Ví dụ đơn giản nhất là ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh, điều này áp dụng cho cả hai giới. "Chúng tôi chưa bao giờ tự do trong ăn mặc. Chúng tôi chỉ tự do trong một giới hạn nhất định. Về việc mặc gì ở nơi công cộng, tôi nghĩ chúng ta không nên chỉ nhấn mạnh đến tự do mà làm ngơ văn hóa địa phương và xã hội".
Trung Quốc không có luật quy định về những gì được hay không được phép mặc ở nơi công cộng, và người Hán, chiếm phần lớn dân số nước này, cũng không bị hạn chế chuyện ăn mặc theo tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, việc ăn mặc kín đáo, tránh gây chú ý ngoài mong muốn từ lâu đã là một phần triết lý của người Trung Quốc.
"Bố tôi bảo tôi không được mặc hở quá, vì ông ấy tin rằng mặc như thế thì nguy cơ quấy rối sẽ cao hơn", Li nói. "Mọi người nghĩ rằng họ chỉ có ý tốt nhưng tôi muốn là chính mình. Tôi không phạm pháp. Tôi muốn đóng góp vào việc thay đổi văn hóa này".
Anh Ngọc (Theo SCMP)