VKSND Tối cao vừa đưa ra rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành một vụ án tai nạn giao thông gây nhiều tranh cãi về tội danh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo hồ sơ, trưa 5/6/2011, bà Trương Thị Thu Hồng chạy ôtô từ thành phố Huế về nhà ở thôn Ngọc Ánh, xã Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Nền nơi để xe cao hơn mặt đường từ 30 cm đến 40 cm nhưng bà Hồng thiếu quan sát, chạy xe với tốc độ không phù hợp nên đã va vào trụ cổng và bức tường rồi lao đến ép người giúp việc vào chậu rửa gắn trên thành tường. Người giúp việc bị thương nặng, tối cùng ngày đã tử vong tại bệnh viện.
Bà Hồng thừa nhận hành vi gây tai nạn làm chết người giúp việc, lời khai phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, dấu vết phương tiện và kết quả giám định pháp y. Bà cũng đã bồi thường cho gia đình người bị hại hơn 165 triệu đồng và được bãi nại. Gia đình nạn nhân cũng không yêu cầu xử lý gì thêm.
Sau khi vụ án xảy ra, trong nội bộ các cơ quan tố tụng ở huyện Phú Vang có những quan điểm khác nhau về tội danh. Theo quan điểm thứ nhất, hành vi của bà Hồng phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự. Theo quan điểm thứ hai, hành vi của bà Hồng phạm vào tội Vô ý làm chết người theo Điều 98.
Do có những quan điểm khác nhau như vậy nên vụ việc kéo dài mà chưa khởi tố, điều tra. Sau đó, ba ngành tố tụng huyện đã họp nghiên cứu hồ sơ, đưa ra kết luận người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ di chuyển phương tiện từ nơi này đến nơi khác ở bất kỳ địa điểm nào mà gây tai nạn đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trong vụ án này, dù bà Hồng gây tai nạn làm chết người trong sân nhà mình nhưng hành vi trực tiếp điều khiển ôtô (phương tiện giao thông đường bộ) thiếu chú ý quan sát, với tốc độ không phù hợp… đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo VKSND Tối cao, hướng xử lý trên của các cơ quan tố tụng huyện Phú Vang là phù hợp, cần rút kinh nghiệm cho toàn ngành để thống nhất vận dụng trong khởi tố, điều tra, truy tố.
VKSND Tối cao cũng ra thông báo gửi VKS các địa phương hướng dẫn việc định tội danh đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn ở những nơi không phải đường giao thông như sân trường, bến bãi, công trường… Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ (phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dụng) khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác ở bất kỳ địa điểm nào mà gây tai nạn đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì xử lý theo Điều 202 Bộ luật hình sự. Đối với trường hợp xe máy chuyên dụng (ủi xúc đất, san lấp, cày ruộng, cẩu hàng…) mà gây tai nạn trong lúc đang làm nhiệm vụ chuyên dụng thì tùy trường hợp cụ thể có thể xử lý về các tội Vô ý làm chết người (Điều 98), tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99) hoặc tội Vi phạm quy định về an toàn lao động (Điều 227).
Một thẩm phán TAND Tối cao nhận định hướng dẫn trên của VKSND Tối cao còn “khá mơ hồ”, chẳng hạn phải hiểu như thế nào về cụm từ “khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác ở bất kỳ địa điểm nào”.
Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) cùng hai luật sư Trần Hải Đức và Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng theo khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Như vậy bên trong khuôn viên bến tàu, bến xe, nhà ga, các sân bãi trong khuôn viên công ty, nhà máy, sân trường, sân nhà, vườn nhà, bãi giữ xe… không thuộc phạm vi “đường bộ”. Nếu tai nạn xảy ra tại các địa điểm này thì không thể áp dụng Điều 202 để xử lý người vi phạm mà áp dụng điều luật khác tùy từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên trước đó từng có tiền lệ xử án với tội danh khác. Ngày 7/10/2008, Danh Hận là phụ xe đã đi theo xe tải vào cầu 2 Kho số 3 Cảng Nhà Rồng (quận 4, TP HCM) chờ lấy hàng. Trong lúc chưa nhận được hàng, tài xế xe tải giao xe cho Hận trông để về ăn cơm. Đến 13h cùng ngày, công nhân Cảng Nhà Rồng bắt đầu đi làm, các xe tải khác cũng vào lấy hàng và bị kẹt xe. Sẵn có chìa khóa, Hận lên xe tải nổ máy đưa xe ra chỗ khác. Vừa chạy được khoảng 2 m, bánh trước xe tải Hận lái đụng phải xe đạp của một công nhân làm người này chết tại chỗ.
Hận bị khởi tố, truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202. Theo VKSND quận 4, Hận đã điều khiển xe nhưng không có bằng lái, khi chuyển hướng xe lại không chấp hành đúng quy định, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, TAND quận 4 xử sơ thẩm nhận định tai nạn chết người xảy ra không phải ở nơi công cộng mà ở trong Cảng Nhà Rồng - nơi tiếp nhận hàng hóa từ các phương tiện vận tải và việc lưu thông của các phương tiện vận tải trong khu vực phải được sự đồng ý, cấp phép của ban giám đốc cảng. Nơi xảy ra tai nạn giao thông không thuộc diện điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ vì không có hành lang an toàn đường bộ, không biển báo hiệu, không đèn tín hiệu, không vạch kẻ đường. Từ đó, tòa cho rằng hành vi của Hận chỉ cấu thành tội Vô ý làm chết người và chuyển tội danh, phạt Hận một năm 6 tháng tù.
Không đồng tình, VKSND quận 4 đã kháng nghị. Tại phiên phúc thẩm sau đó của TAND TP HCM, chính đại diện VKSND TP cũng cho rằng bản án sơ thẩm kết án Hận về tội vô ý làm chết người là có căn cứ. TAND TP nhận định thêm: Nơi xảy ra vụ án không thuộc diện điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ nên không thể buộc Hận chịu trách nhiệm về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Từ đó, tòa phúc thẩm bác kháng nghị và tuyên y án sơ thẩm.
Theo Pháp luật TP HCM