Cái tên Li Na được nhắc đến rất nhiều ở Trung Quốc những ngày qua, sau chiến công phi thường của cô - trở thành tay vợt nữ châu Á đầu tiên đăng quang tại một giải Grand Slam. Tuy nhiên, sau khi hình ảnh tay vợt nữ 29 tuổi xuất hiện tràn ngập trên trang nhất các báo vào hôm chủ nhật, từ đầu tuần qua, dư luận Trung Quốc bắt đầu đi vào phân tích nền tảng làm nên thành công của Li Na.
Trên tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc), Wang Jun, HLV đồng thời là nhà tổ chức một giải quần vợt ở Bắc Kinh và quản trị một trang web về quần vợt, nói rằng ông nhận được nhiều ý kiến về thành công của Li Na. Phần lớn trong số đó cho rằng sở dĩ Li Na vô địch Grand Slam là nhờ việc cô chủ động tách ra, hoạt động độc lập với thể thao nhà nước từ năm 2008.
![]() |
Li Na hoạt động độc lập, chứ không chịu sự chi phối của thể thao chính phủ Trung Quốc từ ba năm nay. Ảnh: SN. |
Tuy nhiên, theo Wang, quan điểm đó không công bằng. Vị chuyên gia này cho rằng xuất phát điểm thành công của Li Na chính là việc cô từng tham gia vào hệ thống thể thao nhà nước. Theo Wang, nhờ sự đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, những vận động viên như Li Na mới có điều kiện sống, tập luyện tốt hơn để từ đó, gây tiếng vang ở các giải đấu quốc tế.
Trong hệ thống thể thao được nhà nước tài trợ và điều hành ở Trung Quốc hiện nay, trẻ em có năng khiếu được phát hiện từ sớm và đưa vào đào tạo theo những chương trình nghiêm ngặt ở nhiều môn thể thao khác nhau, cho đến khi thành danh trên đấu trường quốc tế. Li Na cũng nằm trong số đó, nhưng trường hợp của cô có chút khác biệt.
Cuối năm 2008, một số tay vợt hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Li Na, ký thỏa thuận với các quan chức thể thao, cho phép họ tự do chọn HLV và tự quyết định sẽ dự hay không dự giải đấu nào, thay vì phải làm những việc đó theo sự chỉ đạo, phân công từ cấp trên. Thỏa thuận cũng giúp Li Na và đồng đội được hưởng phần lớn khoản tiền thưởng từ các danh hiệu hơn trước kia.
Lần gần nhất Li Na tận dụng triệt để quyền lợi từ sự tách bạch với thể thao nhà nước là sau giải Australia mở rộng 2010 khi cô đích thân sa thải Jiang Shan, HLV đồng thời là chồng được phân công làm việc với cô nhiều năm trước đó. Li Na sau đó chọn ông thầy mới là cựu tay vợt Đan Mạch Michael Mortensen.
Kể từ thời điểm ký thỏa thuận tách khỏi thể thao nhà nước, sự nghiệp của Li Na bắt đầu lên như diều gặp gió. Cô trở thành tay vợt nữ Trung Quốc đầu tiên lọt vào một trận chung kết Grand Slam (Australia mở rộng hồi đầu năm nay), rồi chinh phục thành công Pháp mở rộng cuối tuần qua.
Tuy nhiên, bất chấp những bất đồng về xuất phát điểm, ông Wang cho rằng thành công của Li Na vẫn đem lại lợi ích chung. Tay vợt nữ này là bằng chứng nữa cho thấy sự vươn lên của Trung Quốc trong vai trò một cường quốc thể thao, sau sự kiện đoàn thể thao nước này đoạt nhiều HC vàng nhất tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008.
"Dù có điều gì xảy ra với cô ấy trong tương lai, sau chức vô địch Pháp mở rộng, người Trung Quốc sẽ luôn nhớ, theo dõi và có thể, cả tranh cãi về Li Na. Thành công của cô ấy chắc chắn sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của quần vợt ở Trung Quốc, khuyến khích thế hệ trẻ đến với môn thể thao này nhiều hơn", Wang nhận định.
Phương Minh