Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/1 thông báo một vận tải cơ Il-76 với kíp lái 6 người, chở 65 tù binh Ukraine cùng ba quân nhân áp giải, bị lực lượng Ukraine bắn hạ bằng tên lửa phòng không phóng từ Liptsy, tỉnh Kharkov. Máy bay rơi tại tỉnh Belgorod, khiến toàn bộ người trên khoang thiệt mạng.
"Ukraine biết rõ rằng các binh sĩ nước này sẽ được đưa bằng vận tải cơ quân sự tới sân bay Belgorod để trao đổi", Bộ Quốc phòng Nga cho biết. "Theo thỏa thuận trước đó, cuộc trao đổi tù binh sẽ diễn ra tại trạm kiểm soát Kolotilovka ở biên giới Nga - Ukraine".
Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) xác nhận có một cuộc trao đổi tù binh được lên kế hoạch diễn ra ngày 24/1. Tuy nhiên, GUR tuyên bố không được phía Nga thông báo về việc cần đảm bảo an toàn cho bất cứ chuyến bay quân sự nào trước khi vận tải cơ Il-76 rơi.
"Chúng tôi không có thông tin đáng tin cậy và toàn diện về danh tính và số lượng những người có mặt trên máy bay", GUR cho biết.
Cơ quan phụ trách quản lý tù binh của Ukraine cùng ngày cảnh báo mọi người không phát tán thông tin chưa được xác minh liên quan vụ vận tải cơ Nga bị rơi. "Chúng tôi nhấn mạnh rằng đối phương đang tích cực triển khai chiến dịch lan truyền thông tin chống lại và nhằm gây bất ổn cho xã hội Ukraine", cơ quan này cho biết.
Anton Gerashchenko, cựu cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine và là người sáng lập Viện Tương lai, trụ sở ở Kiev, bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga rằng chiếc Il-76 chở theo tù binh. Theo Gerashchenko, các tù binh này trước đó bị giam ở địa điểm cách biên giới Ukraine khoảng 40 km, nên việc họ bị chuyển bằng máy bay tới phi trường cách cửa khẩu 95 km là điều bất hợp lý.
Ông cũng chỉ ra rằng Nga chưa từng sử dụng vận tải cơ để chở tù binh trước đây. Tù binh Ukraine thường được chuyển bằng đường sắt hoặc đường bộ để trao đổi.
Chiếc Il-76 bị rơi từng bay đến Trung Đông và "đang trở về căn cứ Chkalovsky" sau khi tuần tra thường lệ ở khu vực này, Gerashchenko nói.
Tờ Ukrainska Pravda của Ukraine ban đầu đưa tin chiếc Il-76 bị phòng không nước này bắn rơi khi chở theo tên lửa cho tổ hợp phòng không S-300, nhưng sau đó xóa bài viết. Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga dùng tổ hợp S-300 tập kích các mục tiêu tại nước này.
Biên tập viên David Axe của Forbes nhận định dường như tên lửa của Ukraine đã bắn trúng chiếc Il-76 khi nó vận chuyển hàng hóa quân sự, song Nga "tung ra thông tin sai lệch về việc phi cơ chở tù binh".
"Video hiện trường cho thấy một phần thân máy bay chi chít lỗ thủng, dấu hiệu nó bị trúng tên lửa, song không cho thấy nhiều thi thể" để chứng minh phi cơ chở theo hàng chục tù binh, Axe cho biết.
Theo Axe, các bằng chứng "có thể chỉ ra rằng đây là một vụ bắn hạ mục tiêu quân sự hợp pháp, không phải là hành động thảm sát tù binh Ukraine do chính quân đội nước này thực hiện". Tuy nhiên, Axe thừa nhận thông tin hiện nay đang rất nhỏ giọt và chỉ có thể có bức tranh chi tiết về sự việc khi các bên cung cấp thêm dữ liệu.
Trong khi đó, Thomas Newdick, biên tập viên của Drive, nêu giả thuyết vận tải cơ Il-76 "có thể bị phòng không Nga bắn rơi". "Nhiều kênh Telegram cho biết có cảnh báo tên lửa tại địa phương ngay trước khi chiếc Il-76 rơi. Điều này cho thấy phòng không Nga khi đó chuẩn bị đối phó với một vụ tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa của Ukraine và vô tình hạ vận tải cơ của họ", Newdick nhận định.
Newdick cũng nêu giả thuyết khác cho rằng chiếc Il-76 "có khả năng rơi vì lý do khác, trong đó có vấn đề kỹ thuật". Ông nhận định không quân Nga đang quá tải về nhân sự lẫn phương tiện, có thể ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn bảo trì và mức độ an toàn tổng thể đối với máy bay quân sự.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy chiếc Il-76 bị tên lửa phòng không của Ukraine bắn trúng. Gennady Alekhin, chuyên gia quân sự Nga có mặt tại tỉnh Belgorod khi chiếc Il-76 rơi, cho biết "nhận được cảnh báo về mối đe dọa tên lửa lúc 11h và cùng thời điểm này, vận tải cơ của chúng tôi lao xuống đất".
Truyền thông Nga đưa tin dữ liệu sơ bộ cho thấy một tên lửa với đầu dò chủ động lao về phía sân bay Belgorod, nơi chiếc Il-76 hạ cánh. Radar dẫn bắn của tổ hợp phòng không đang nhắm vào mục tiêu khi đó được tắt đi và tên lửa tự tìm mục tiêu.
Nguyễn Tiến (Theo Drive, AFP, Forbes, RIA Novosti)