Trò chơi trên thiết bị di động Flappy Bird do tác giả 29 tuổi người Việt Nam - Nguyễn Hà Đông nhanh chóng xếp đầu trên các trang tải phần mềm nổi tiếng như App Store, Google Play... Thành công của trò chơi này cũng như khoản doanh thu lên tới 50.000 USD một ngày được tác giả tiết lộ trên trang công nghệ nổi tiếng - The Verge cũng là đề tài được nhiều người quan tâm.
Là ứng dụng miễn phí, nguồn thu duy nhất mà Flappy Bird mang lại cho tác giả đến từ tiền quảng cáo. Theo đó, Nguyễn Hà Đông, tương tự các nhà phát triển ứng dụng khác (Developer - Dev) kiếm tiền từ việc cho AdMob (Google) nhúng mã vào game để hiển thị quảng cáo tại một góc màn hình. Số tiền mà nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo này trả cho tác giả có thể căn cứ trên lượt hiển thị hoặc số lần click quảng cáo của người chơi, tùy theo thỏa thuận đôi bên.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies cho rằng, ứng dụng của Nguyễn Hà Đông có thể thu về 50.000 USD hoặc nhiều hơn thế khi sử dụng AdMob.
Theo công thức tính của Google, với 50 triệu lượt tải, giả sử 10% (5 triệu) là người chơi hàng ngày, số lần quảng cáo hiển thị đầy đủ với mỗi người trong ngày là 15 (tương đương 75 triệu lượt tất cả). Tỷ lệ người dùng click vào quảng cáo là 0,4% (lý tưởng), như vậy có khoảng 300.000 lượt click quảng cáo một ngày. Tại Anh, Mỹ, Google trả mỗi click quảng cáo là 0,2 USD (còn những nước có thu nhập thấp hơn như Việt Nam là 0,02 USD). Với cách tính trên, tổng thu nhập của Dev trong một ngày sẽ là 60.000 USD.
Đối với tiền tính dựa trên lượt hiển thị, mỗi 1.000 lần quảng cáo được hiển thị đầy đủ, Dev nhận về từ 0,1 đến 1 USD. Cũng với cùng số người chơi hàng ngày trên (5 triệu), mỗi người xem trung bình 10 quảng cáo trong quá trình chơi (xuất hiện khi mở game và "chết mạng") thì tổng tiền cũng có thể lên tới vài chục nghìn USD.
Ông Nguyễn Khánh Trình, Tổng giám đốc CleverAds (đối tác quảng cáo của Google tại Việt Nam) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, thành công của Nguyễn Hà Đông có tác động tốt đối với các nhà phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam. "Tuy nhiên cũng phải hiểu may mắn và sự lan truyền giữa người dùng, trên mạng xã hội đóng vai trò quan trọng chứ không chỉ nhờ 'công thức hóa' thành công của Đông", ông Trình nhận xét.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến hoài nghi con số 50.000 USD mà Nguyễn Hà Đông có được mỗi ngày.
Một chuyên gia viết ứng dụng khác cho biết, đối với trò chơi miễn phí, Google trừ 30% doanh thu quảng cáo, chỉ trả cho Dev 70%. Do đó, để có 50.000 USD thực nhận về tài khoản, doanh thu quảng cáo thực nhận của Flappy Bird phải lớn hơn nhiều. "Tuy chưa thể sánh ngang Candy Crush, Angry Birds - những ứng dụng thu về hàng trăm nghìn USD mỗi ngày nhưng con số 50.000 USD cho Flappy Bird cũng rất khó tin", chuyên gia này nói.
Carter Thomas, một chuyên gia viết ứng dụng chia sẻ với Telegraph rằng, ông nghi ngờ có sự can thiệp của các tài khoản ảo hoặc chương trình tự động chạy trên máy tính nhằm tăng xếp hạng của trò chơi. "Đây là lần đầu tiên tôi thấy một ứng dụng tăng trưởng đột biến như vậy", Carter nói. Ông cũng chỉ ra sự vươn lên bất thường tương tự của tựa game khác do Hà Đông phát triển như Super Ball Juggling hay Shuriken Block.
Doanh thu khủng được tiết lộ của Flappy Bird cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi về thuế thu nhập đối với tác giả. Theo bà Đặng Thị Bình An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cho biết, hiện việc đánh thuế những trường hợp này được áp dụng theo Luật thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, người nhận phải tự khai, tự quyết toán thuế. Mức đóng thuế được tính lũy tiến, trong đó tỷ lệ cao nhất là 35%. Trường hợp cá nhân mở công ty để kinh doanh thì phải chịu thêm thuế môn bài, giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bà An cũng cho biết, đối với những trường hợp không đăng ký kinh doanh thì tiền được chuyển về tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay là cá nhân phải tự khai, tự nộp nên cơ quan thuế cũng khó kiểm soát hết việc nộp thuế có đầy đủ hay không.
Flappy Bird được đưa lên các chợ ứng dụng từ tháng 5/2013, nhưng phải đến tháng 11/2013, trò chơi này mới "nổi như cồn". Đến nay, ứng dụng có trên 50 triệu lượt tải về, chủ yếu từ Mỹ, hơn 470.000 lời đánh giá, nhận xét, khen chê... Những con số trên ấn tượng ngang với các phần mềm nổi tiếng và có mặt từ lâu như Evernote, Gmail...
Anh Quân - Ngọc Tuyên