Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch vừa tổ chức buổi tập huấn "Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn" tại TP HCM. Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, cùng một số đơn vị tổ chức, kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, giải trí.
Mở đầu, bà Phạm Thị Kim Oanh - Cục phó Cục Bản quyền Tác giả - trình bày lại các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan. Tiếp theo, ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng quản lý biểu diễn của Cục - khái quát tình hình thực thi Luật sở hữu trí tuệ trong nghệ thuật biểu diễn thời gian qua. Theo ông Tuấn, bên cạnh chiều hướng tích cực, thời gian qua xảy ra nhiều khúc mắc, xung đột đòi hỏi phải có sự giải quyết dần. Mâu thuẫn chính diễn ra giữa tác giả - chủ sở hữu tác phẩm - với bên sử dụng tác phẩm về việc thống nhất mức nhuận bút, thù lao. "Cần giải quyết công khai, minh bạch và thấu đáo các vấn đề trên thì mới giúp quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực biểu diễn hiệu quả hơn", ông Tuấn nói.
Phần phát biểu "nóng" nhất tại hội nghị là ý kiến của ông Đinh Trung Cẩn, giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tại TP HCM. Ông Cẩn tiếp tục có những ý kiến bảo vệ các động thái quyết liệt vừa qua của VCPMC trong vấn đề thu phí tác quyền chuỗi liveshow của nữ danh ca. Ông khẳng định, với mức giá vé mà ban tổ chức show Khánh Ly bán ra thì việc thu tác quyền vài trăm triệu đồng không là gì so với doanh thu đêm diễn. "Nếu đây là sô miễn phí hoặc bán giá rẻ, phục vụ cộng đồng thì chúng tôi tuyên bố không lấy đồng nào. Còn thực tế, chương trình là một bài toán kinh doanh", ông này nói.
Từ chuyện xung đột, khó khăn khi thu phí tác quyền show Khánh Ly, ông Đinh Trung Cẩn chia sẻ thêm nhiều vướng mắc VCPMC gặp phải trong quá trình đòi tiền tác quyền. Ông Cẩn kể, nhiều đơn vị tổ chức thường vin vào cớ bị lỗ, bán vé không được chỉ để né thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Nhưng khi VCPMC cử nhân viên đi kiểm tra thì vé bán rất tốt, và chuyện đêm diễn lỗ như thế nào thì không ai có thể chứng minh được.
"Thực tế đang tồn tại nghịch lý: Trong khi các quyền liên quan khác ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật phần lớn đều được thực thi, thì riêng quyền về tác giả vẫn đang bị cố tình lướt qua. Ví dụ, đơn vị làm liveshow của ca sĩ Thu Phương cuối tháng 12/2013 tại TP HCM sau khi xong chương trình đã 'biến' luôn. Chúng tôi thường gặp tình trạng một số công ty sau khi tổ chức xong thì thay đổi địa chỉ, trả mặt bằng công ty nên khi nhân viên VCPMC đến không còn ai để đòi tiền tác giả", ông Cẩn bức xúc.
Ngoài ý kiến đến từ VCPMC, hội nghị còn lắng nghe ý kiến chia sẻ khó khăn, góp ý từ các đơn vị tổ chức biểu diễn. Một đại diện thường tổ chức đêm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ nước ngoài nhận xét, cách tính nhuận bút, tiền tác giả của VCPMC hiện nay cho thấy sự chênh lệch giữa nhạc sĩ trong nước và nước ngoài.
"Khi chúng tôi tổ chức một đêm nhạc của ca sĩ Hàn Quốc, chúng tôi phải trả một mức phí tác quyền khá cao cho các ca khúc sử dụng trong đêm. Mức phí này được trả cho công ty Hàn Quốc vì họ thường sở hữu luôn tác quyền các ca khúc. Bên cạnh đó, chúng tôi mời hai đến ba ca sĩ Việt Nam biểu diễn và chỉ hát chừng năm đến sáu bài hát, nghĩa là phần biểu diễn của ca sĩ trong nước chỉ chiếm 10-20% dung lượng chương trình. Nhưng chúng tôi phải đóng tiền tác quyền theo quy định hiện tại là phần trăm trên tổng doanh thu của cả đêm biểu diễn. Như vậy, con số tác quyền phải trả cho nhạc sĩ Việt Nam khá lớn, đến vài trăm triệu đồng", vị này chia sẻ.
Về mức phí tác quyền, bà Thu Dung, giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông đóng góp ý kiến: "Hiện nay, VCPMC đang thu tác quyền theo kiểu giá vé cao thì thu tác quyền cao, giá vé thấp thì thu thấp. Điều này có phần chưa hợp lý, vì với mức giá vé cao nhà tổ chức đơn vị sản xuất chương trình phải bỏ số tiền lớn tương xứng để đầu tư. Tôi nghĩ, Trung tâm cần quy định cụ thể, thông báo rộng rãi mức tối đa và tối thiểu trong chuyện thu phí là bao nhiêu. Căn cứ trên đó, Trung tâm và đơn vị tổ chức có sự thương lượng, trao đổi với nhau trong từng trường hợp cụ thể", bà Dung nói.
Lắng nghe và tổng hợp nhiều ý kiến đóng góp, ông Lê Minh Tuấn đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc. Theo ông Tuấn, các tổ chức, cá nhân được ủy quyền thu phí tác quyền rất cần tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận trong việc thu phí; không nên áp đặt một chiều, nhằm đảm bảo lợi ích của các bên. Các văn bản, nghị định của cơ quan chức năng cần xây dựng khung biểu giá cụ thể, chi tiết để các bên căn cứ giải quyết tranh chấp chuyện tiền bạc.
"Khi áp dụng quy định pháp luật về thu tiền tác quyền cần phải căn cứ trên tình hình thực tế đêm diễn. Ví dụ, quy định về thu nhuận bút, thù lao trong Nghị định 61 là: thu tiền tác quyền trên phần trăm doanh thu của đêm diễn thì khi áp dụng các bên cần xem xét thông qua tình hình bán vé, tiền tổ chức show diễn do đơn vị bỏ ra hay được tài trợ, chứ không phải đếm số ghế trong rạp để tính phần trăm doanh thu", ông Tuấn nêu ý kiến.
Ông Vũ Xuân Thành - Chánh tranh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch - cho biết, Bộ đang làm việc nhằm soạn thảo lại nghị định về chế độ nhuận bút và chi trả tác quyền cho các tác phẩm nghệ thuật, sau đó trình Chính phủ về việc ban hành nghị định mới, thay thế cho nghị định 61 ra đời năm 2002.
"Nghị định mới, nếu có, được xây dựng trên nền của thực tiễn đời sống âm nhạc Việt Nam, thực thi bản quyền Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đi theo sự phát triển của đời sống kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp... Chúng tôi mong muốn không thể để vì chuyện trả tác quyền mà doanh nghiệp kinh doanh biểu diễn bị lỗ... Nhưng cũng không thể để cho tác giả, chủ sở hữu trí tuệ bị thiệt thòi", ông Thành nói.
Thất Sơn