Nội dung quảng cáo còn cung cấp số điện thoại và cho biết muốn phỏng vấn nặc danh những người từng hiếp dâm để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Sau khi quảng cáo được đăng, nghiên cứu sinh Samuel Smithyman ngồi trực điện thoại trong tâm trạng hoài nghi. "Tôi đã nghĩ là sẽ chẳng ai gọi tới", tiến sĩ Smithy, hiện là nhà tâm lý học lâm sàng 76 tuổi tại bang South Carolina (Mỹ), cho biết. Nhưng kết thúc nghiên cứu, điện thoại của ông đổ chuông gần 200 lần.
Cuối mùa hè năm 1976, Smithyman phỏng vấn được 50 người đàn ông tự nhận là kẻ hiếp dâm và dựa vào đó để viết luận văn có tên "Kẻ hiếp dâm âm thầm". Trong đó, ông kết luận những kẻ hiếp dâm này có xuất thân, địa vị xã hội, tính cách, và tư tưởng quá đa dạng nên không thể rút ra những đặc điểm chung.
Nhưng theo The New York Times, một số nghiên cứu mới đây cho thấy người tấn công tình dục có một vài điểm tương đồng như "thiếu cảm thông, có tính ái kỷ, và thù địch với phụ nữ". Những kẻ này gây án từ sớm và có thể giao thiệp với người khác cũng có hành vi bạo lực tình dục.
Trả lời câu hỏi điều gì thúc đẩy hành vi hiếp dâm, Sherry Hamby, giáo sư nghiên cứu tâm lý học thuộc Đại học Phương Nam, bang Tennessee (Mỹ), cho biết "hành vi tấn công tình dục không nhằm thỏa mãn tình dục mà thường là để thống trị người khác".
Hamby chỉ ra trong nhiều trường hợp, cách duy nhất để nam giới có chỗ đứng trong mắt bạn bè là phải dày dạn kinh nghiệm tình dục. Chính dạng áp lực này góp phần khiến đàn ông trở thành kẻ tấn công vì nhiều người sợ bị phát hiện là kém kinh nghiệm hơn chúng bạn. Nói cách khác, trong văn hóa hoặc truyền thông ở một số nơi có những yếu tố khiến đàn ông nghĩ rằng cần thống trị phụ nữ mới được coi là nam tính.
Trái ngược với Hamby, nhà sinh học tiến hóa Randy Thornhill và nhà nhân chủng học tiến hóa Craig Palmer lại cho rằng động cơ chủ yếu thúc đẩy hành vi hiếp dâm là tình dục.
Theo hai nhà khoa học này, hiếp dâm là một dạng "thích nghi" hình thành từ chọn lọc tự nhiên nhằm tăng khả năng sinh sản thành công của đàn ông, nhất là người ít có cơ hội tiếp cận phụ nữ. Chứng cứ được dùng để củng cố cho giả thuyết này là hầu hết nạn nhân trong độ tuổi sinh nở.
Tuy nhiên, giả thuyết của Thornhill và Palmer vấp phải sự phê bình nặng nề. Một bài đăng trong tạp chí khoa học Nature từng chỉ trích chứng cứ do hai nhà khoa học này đưa ra là gây nhầm lẫn, chứa thiên kiến, và "đồng thời củng cố các cách giải thích khác".
Trên thực tế, hầu hết các nhà khoa học xã hội, các nhà tâm lý học, và các nhà hoạt động nữ quyền đều đồng ý rằng động cơ hiếp dâm là "mong muốn kiểm soát và thống trị".
Ngoài ra, hành vi hiếp dâm còn có thể xuất phát từ thái độ ghét bỏ và thù địch phụ nữ. Kẻ hiếp dâm thường coi phụ nữ là món đồ để thỏa mãn nhu cầu tình dục của đàn ông. Chúng thường có quan niệm sai lầm như "phụ nữ nói không là có nhằm đùa bỡn hoặc thử thách đàn ông".
Trong nghiên cứu của Antonia Abbey, nhà tâm lý học xã hội thuộc Đại học Tiểu bang Wayne tại thành phố Detroit (Mỹ) cho thấy nếu tỏ ra hối lỗi, nam giới trẻ tuổi sẽ ít khả năng tái phạm vào năm sau. Ngược lại, người đổ lỗi cho nạn nhân nhiều khả năng lại tiếp tục gây án.
Quốc Đạt (Theo Deutsche Welle, The New York Times)