Ngày 17/11, TAND TP HCM xét xử Nguyễn Khắc Việt, 47 tuổi và Trần Cẩm Tú, 51 tuổi, về tội Vận chuyển tiền giả.
Quá trình thẩm vấn, Việt và Tú khai hành vi như cáo trạng truy tố, song đề nghị HĐXX xem xét về tội danh. Bởi số vật chứng thu giữ là giấy chứ không phải tiền giả.
Cụ thể, tháng 9/2021, Việt mua 12 cọc USD màu đen (mỗi cọc khoảng 100 tờ, mệnh giá 100 USD) của người đàn ông tên Hùng (không rõ lai lịch) tại quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, với giá 30 triệu đồng. Hùng hứa sẽ đưa cho Việt hóa chất tẩy rửa chất nhuộm màu đen thành một tờ tiền 100 USD hoàn chỉnh để Việt tiêu thụ. Việt sau đó liên lạc với Hùng để lấy hóa chất nhưng không được. Sau khi mang về nhà, Việt thử ngâm nước để tẩy trắng nhưng không được nên cất đi.
Khoảng một tháng sau, khi Tú đến nhà chơi, Việt cho bạn xem số đôla trên, và nhờ tìm chỗ bán. Những tờ USD này không có số seri, Tú biết là tiền giả, nói không biết ai cần mua.
Đầu tháng 9 năm 2022, Tú đến nhà nói cho Việt biết có người tên Kim Hen đang ở Thái Lan tìm mua tiền đôla Mỹ giả của Việt với giá cao. Tú bàn với Việt mang 12 cọc tiền anh ta đang cất giữ đến Thái Lan để bán, lợi nhuận chia đôi.
Ngày 15/9/2022, khi Tú và Việt đang mang 12 cọc tiền có tổng cộng 10.518 tờ mệnh giá 100 USD giả đến Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan để bán thì bị phát hiện, bắt giữ.
Trả lời HĐXX về động cơ bỏ ra 30 triệu đồng để mua một triệu USD giả, Việt cho rằng khi mua đã tin tưởng lời của Hùng nên nghĩ là tiền thật. "Hùng nói bị cáo cứ mua rồi rửa hóa chất sẽ ra USD thật, nhưng không cho bóc các cọc giấy ra. Khi về nhà bị cáo rửa nhưng không ra nên nghĩ đó là giấy chứ không phải tiền", Việt nói và cho biết mình bị Hùng lừa.
Đồng thời, Việt khiếu nại kết luận giám định của của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM, về việc xác định số vật chứng thu giữ là tiền giả. Theo Việt, số vật chứng này chỉ là giấy, có in mệnh giá 100 USD nhưng không có số seri, khi ngâm nước không còn nhìn rõ.
Tương tự, bị cáo Tú cũng cho rằng khi nhìn cọc giấy có thể biết đây không phải là tiền thật, cũng không phải là tiền giả, nên không có khả năng gây nhầm lẫn.
Các bị cáo đều thừa nhận động cơ mang số cọc giấy có in mệnh giá 100 USD ra nước ngoài bán thu lợi, song đề nghị tòa xem xét lại việc xác định số vật chứng chỉ là giấy.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho rằng quá trình điều tra các bị cáo đều khai nhận, biết số tiền "một triệu USD" là tiền giả nhưng vẫn mang đi bán lại cho người khác nhằm mục đích thu lợi. Tại tòa, Việt cũng khai động cơ khi bỏ ra 30 triệu đồng để mua số USG giả nói trên là để tiêu thụ. Hành vi vận chuyển tiền giả của các bị cáo đã bị bắt quả tang nên phải chịu trách nhiệm hình sự về giá trị tương đương với tiền thật.
Từ đó, VKS cho rằng việc truy tố các bị cáo về tội danh nêu trên là có căn cứ; đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án 18-20 năm tù.
Bào chữa cho các bị cáo, luật sư cho rằng vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Theo luật sư Hà Phi Sơn (bào chữa cho bị cáo Tú), kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM xác định, số tang vật thu giữ là "giấy bạc giả". Do đó, cần phải làm rõ đây có phải là "tiền giả" hay không.
Luật sư đề nghị chuyển cho cơ quan giám định chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước để xác định số tang vật này là tiền giả hay là giấy, dựa trên các quy định của pháp luật về tiền tệ.
"Đây là căn cứ để xác định hành vi của các bị cáo có cấu thành tội danh như VKS truy tố hay không, nên cần phải điều tra làm rõ", luật sư Sơn nói, thêm rằng cần phải xác minh lý lịch và lấy lời khai của Kim Hen, để xác định chính xác mục đích của các bị cáo khi chuyển các cọc giấy nhuộm đen cho người này.
Sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận quan điểm của luật sư, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ các vấn đề trên.
Hải Duyên