Sau nhiều năm "đau đầu" với các tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Twitter đã mạnh tay hơn khi gắn cờ vi phạm ở một số nội dung là "bạo lực" cũng như "thông tin sai lệch". Snapchat sau đó đã theo chân Twitter. Facebook đang cố giữ quan điểm trung lập, nhưng nội bộ mạng xã hội này cũng có những suy nghĩ trái chiều.
Trước những thay đổi mang tính tranh cãi này, một số người theo chủ nghĩa tự do đang đặt ra câu hỏi: Việc mạng xã hội kiểm duyệt nội dung một cách chủ động có đảm bảo cho người dùng một môi trường tốt hơn?
Những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng, việc gắn nhãn cảnh báo như cách Twitter làm với Trump vừa qua có thể gây ra nhiều vấn đề. "Quy tắc mới nếu áp dụng ngay mà không thử nghiệm trước thường phản tác dụng. Thực tế cho thấy dù chính xác đến đâu, nhãn dán cũng có thể bị coi là thiên vị cho một ai đó, nhất là khi nội dung liên quan đến chính trị", một chuyên gia nhận xét.
Sau nhiều năm lo ngại, không ít công ty ở Thung lũng Silicon dường như chấp nhận rủi ro khi kiểm duyệt và ngăn chặn hành vi xấu, kể cả đó là nội dung viết bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. "Ý định của chúng tôi là dán nhãn cảnh báo các tuyên bố mâu thuẫn và thông tin gây tranh cãi để người dùng có thể tự phán đoán", CEO Twitter, Jack Dorsey, viết.
Ngay cả với nội bộ Facebook, dù CEO Mark Zuckerberg khăng khăng giữ lại các trạng thái mà Trump đăng tải, nhiều nhân viên tỏ ra bất mãn. Một số cho rằng mạng xã hội này nên có động thái rõ ràng hơn với các nội dung của Tổng thống. Timothy J. Aveni, một nhân viên của Facebook, đã từ chức để phản đối, cho rằng "Facebook đang cung cấp cho các chính trị gia một nền tảng để thể hiện triệt để cái tôi cá nhân và tôn vinh bạo lực".
Ellen Pao, người từng là CEO Reddit, đã chỉ trích công ty khi để tài khoản r/The_Donald - nơi có hơn 785.000 người đăng ký - tham gia các cuộc thảo luận về Tổng thống Donald Trump. Tài khoản này xuất hiện các nội dung không được kiểm duyệt. "Steve Huffman (CEO hiện nay của Reddit) nên đóng cửa The_Donald vì nó đang khuếch đại sự thù hận, ghét bỏ, tình trạng phân biệt chủng tộc và cổ xúy bạo lực", bà Pao viết trên Twitter.
Theo Lee Bollinger của Đại học Columbia, những nền tảng nhiều người dùng, như Facebook, Twitter hay Reddit, đang đạt sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhất định. Do đó, việc kiểm duyệt nội dung và chịu trách nhiệm về những gì người dùng đăng tải là điều cần phải thực hiện. "Nền dân chủ Mỹ sẽ chịu rủi ro lớn nếu các nền tảng xã hội cho phép phát ngôn không kiểm soát", Bollinger nêu quan điểm.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội của Mỹ đang được bảo vệ bởi Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông khỏi các vụ kiện về nội dung đăng tải bởi bên thứ ba. Sau khi bị Twitter dán nhãn cảnh báo, Trump đã kêu gọi nên thay đổi luật này và được hưởng ứng bởi nhiều người, trong đó có các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia lên tiếng phản đối mạng xã hội kiểm duyệt. "Khi Điều 230 bị hủy bỏ, chúng ta sẽ nhận thấy sự xuất hiện của hàng loạt giải pháp không hoàn hảo", Josh Blackman, Giáo sư bộ môn luật hiến pháp tại Đại học Luật South Texas Houston, cảnh báo.
Blackman chia sẻ rằng ông đã "bị sốc" sau khi có nhiều người, trong đó có những nhân vật cốt cán trong giới công nghệ, đang hoan nghênh động thái của Twitter trước việc kiểm duyệt những tweet của Trump. "Những gì xảy ra với kẻ thù của bạn, cũng sẽ sớm xảy ra với bạn. Vấn đề là thời gian", Blackman nói.
Trong quá khứ, các nền tảng mạng xã hội thường cân nhắc việc đưa ra phán quyết mang tính biên tập vì sợ hành động đó có thể khiến họ giống một tờ báo. Chính Zuckerberg thừa nhận, không chỉ ông mà những người tạo ra mạng xã hội, thường đặt tiêu chí tự do ngôn luận lên hàng đầu. Tất nhiên, các nội dung có hại cho đa số người dùng như bạo lực, khỏa thân hay khiêu dâm trẻ em... sẽ bị cấm. Dù vậy, Zuckerberg cũng nói rằng các nội dung chính trị là vấn đề "nhạy cảm" và "cần được tôn trọng".
Bảo Lâm (theo WSJ)