29/12/2022, khi đang lái chiếc Hyundai i10 2014 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, anh Đinh Minh Thái Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) phát hiện có khói dưới nắp ca-pô. Sơn đưa xe vào làn khẩn cấp, thoát ra ngoài. Ngọn lửa bốc lên đốt trụi chiếc xe. Lúc này anh liên hệ với bên bán bảo hiểm vật chất là công ty Bảo hiểm hàng không Thăng Long (VNI Thăng Long) để thông báo. Qua điện thoại, VNI hướng dẫn Sơn cách khai báo vụ việc để lập hồ sơ, không có nhân viên đến hiện trường.
Sau đó, anh Sơn cũng báo cho cơ quan chức năng để tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. Kết quả giám định từ công an huyện, cơ quan CSĐT và Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Phú Xuyên gửi tới anh Sơn vào ngày 17/2 kết luận chiếc Hyundai i10 bị cháy do chập điện, giá trị tài sản là 190 triệu đồng, không có dấu hiệu xe bị cháy do tác động từ bên ngoài hoặc do con người gây ra.
Đến ngày 27/4, VNI Thăng Long gửi văn bản thông báo duyệt phương án bồi thường với giá trị xe tại thời điểm tổn thất là 170 triệu đồng, trong đó phần dây điện gây cháy không được bồi thường theo quy tắc của hợp đồng, là gần 25,6 triệu đồng, khấu trừ 500.000 đồng, như vậy số tiền Sơn thực nhận từ việc bồi thường là gần 144 triệu đồng. Sơn không đồng ý với mức bồi thường này.
"Xe của tôi mua đi được vài tháng thì bị cháy. Khi đó cận Tết, thị trường sôi động, một mẫu xe tương tự được rao bán tại các showroom giá 220-230 triệu đồng, nhưng họ chỉ duyệt cho tôi ở mức 170 triệu đồng, mà không nói rõ lý do, cũng như không cần sự đồng tình của tôi", Sơn cho biết. Chủ xe cũng cho rằng, 25,6 triệu là giá mua mới cho bộ dây điện, nếu tính theo giá thị trường 10-12 triệu, "mua ở hàng cũ tháo xe còn rẻ nữa".
"Cả xe của tôi họ định giá thấp, nhưng bộ dây điện lại định giá cao", Sơn chia sẻ.
Khi mua bảo hiểm cho chiếc i10 2014 vào năm 2022, giá trị xe ghi trong hợp đồng là 270 triệu. Vì vậy, phương án mà Sơn và luật sư của mình đưa ra là bồi thường giá trị xe 200 triệu (ngang với giá xe giao dịch trên thị trường khi xảy ra tai nạn), phần dây điện từ 12 triệu (ngang giá bán trên thị trường đồ cũ). Như vậy số tiền Sơn mong muốn nhận về là 188 triệu đồng.
VNI Thăng Long không đồng ý phương án này. Như vậy, giữa mong muốn của chủ xe và mức định giá bồi thường của công ty bảo hiểm vênh 44 triệu đồng.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Đăng Lâm, phó giám đốc ban giám định bồi thường VNI cho biết công ty không cử nhân viên xuống hiện trường khi xảy ra tổn thất vì vụ việc cháy xe xảy ra ở cao tốc, mất nhiều thời gian di chuyển, và công ty đã phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý. Sau khi xác định nguyên nhân tai nạn, công ty sẽ dựa vào kết luận của cơ quan chức năng để đưa ra mức bồi thường.
"Có những trường hợp phải ra tận nơi để giải quyết, có những trường hợp khác chỉ cần căn cứ vào hồ sơ công an để giải quyết cho khách hàng", đại diện VNI giải thích.
Việc giá trị thực của xe được định giá thấp hơn mức mong muốn của chủ xe, phía VNI cho rằng đã tham khảo những trang mua bán xe qua mạng để xác định giá trị.
"Vì xe này có nguồn gốc là xe dịch vụ, hoạt động từ 2014, sau đó được bán cho chủ xe dạng thanh lý, nên giá trị thực được định giá là 170 triệu. Bên cạnh đó, cuộn dây điện gây cháy có giá trị 35 triệu đồng, hàng chính hãng. Theo quy định của công ty xe hoạt động 6-10 năm linh kiện khấu hao 25%, nên giá trị còn lại của cuộn dây điện là khoảng 25 triệu đồng, khoản này không được bồi thường", Đăng Lâm cho biết.
Chủ xe không đồng tình với cách giải thích này của bên bảo hiểm. "Khi tôi mua bảo hiểm, giá trị xe 270 triệu được khai báo tương đương giá trị trường, phía VNI vẫn chấp nhận mà không hạ thấp vì đây là xe dịch vụ, vậy đến lúc tổn thất, không thể lấy đó là lý do hạ mức bồi thường", Sơn cho biết.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn, sự cố chủ xe nên liên hệ với phía bảo hiểm và cơ quan chức năng để xử lý sự việc, và thu âm/ghi hình lại toàn bộ quá trình làm việc, nhằm có cơ sở để đưa ra bằng chứng nếu có tranh chấp xảy ra. Ngoài ra, chủ xe nên yêu cầu được ghi nhận quá trình làm việc bằng văn bản, với chữ ký của cả hai bên nhằm tạo ra sự đồng thuận. Trong trường hợp không đồng ý với mức chi trả bảo hiểm cho sự cố, chủ xe có thể trưng cầu giám định viên độc lập để tiến hành xác định mức thiệt hại một cách khách quan.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất, có thể trưng cầu giám định viên độc lập. Nếu vẫn không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập, một trong các bên được yêu cầu tòa án chỉ định giám định viên độc lập. Khi đó, kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Phạm Hải - Minh Vũ