Quốc hội đang thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Điều 53 dự thảo nêu trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần và 2 ngày cho mỗi lần khám.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Phó đoàn Bến Tre) cho rằng quy định không phù hợp với thực tế. Sức khỏe thai phụ và thai nhi không ai giống ai. Có những người, những thời điểm được chỉ định tái khám sau một tuần, 10 ngày, 15 ngày. Vì thế các đại biểu đề xuất xem xét lao động có thể lựa chọn nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc nghỉ 9-10 lần trong thai kỳ.
Nghe quan điểm này, chị Nguyễn Thu Trang, 28 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội cảm thấy ''được nói hết tâm tư''. Người phụ nữ này đang mang bầu tháng thứ 5, hiện tại sức khỏe ổn. Nhưng thời gian đầu thai kỳ, cô phải vật lộn với tình trạng thai nghén, dọa sẩy và được yêu cầu đi khám hàng tuần.
Công tác trong một cơ quan có nội quy chấm công giờ làm nghiêm ngặt, hết 5 lần nghỉ theo chế độ Trang phải xin nghỉ phép. Từ nay đến lúc sinh, cô không còn ngày phép. "Một lần nghỉ đồng nghĩa thu nhập đi xuống", Trang nói và cho biết nếu đề xuất được thực thi sẽ hạn chế bị giảm thu nhập, bớt nỗi lo bị ảnh hưởng giờ làm mỗi khi đi đến lịch tái khám.
8 tháng vợ mang bầu, 15 lần khám thai là ngần ấy lần anh Gia Minh, 34 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phải nghỉ làm để đưa đón vợ. Chị Hòa, vợ anh bị tiểu đường thai kỳ, nên thường phải đến bệnh viện làm các xét nghiệm đường huyết để điều chỉnh chế độ ăn, chưa kể lịch khám thai theo định kỳ. ''10 lần là không đủ chứ nói gì 5 lần'', anh nói.
Để duy trì công việc và đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con, chị Hòa thường phải trốn làm. Sếp ''mắt nhắm mắt mở'' cho qua, nhưng Hòa vẫn không thoải mái vì biết đang làm trái quy định. "Tôi cũng khó khăn không kém. Mỗi lần đưa vợ đi là phải xin nghỉ rất phiền", anh Minh nói.
Theo anh, dân số nhiều nước đang già đi vì giới trẻ ngại kết hôn sinh con. Việt Nam nên có nhiều chính sách ưu tiên thai sản như đề xuất nghỉ 10 lần một thai kỳ để "tránh rơi vào cái bẫy già hóa dân số".
Tuy nhiên, một số người khác không đồng tình với quy định. Phan Hương, 27 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng đề xuất này thực chất chỉ nới rộng phân biệt đối xử giữa lao động nam và nữ.
''Doanh nghiệp sẽ ngại tuyển phụ nữ hơn vì sợ họ không thể cống hiến cho công việc do mang thai, sinh và nuôi con nhỏ'', Hương nói.
Gần đây Hương chuyển công việc về gần nhà sau khi kết hôn. Đến nơi nào xin việc cô cũng được hỏi những câu như ''dự định bao lâu sẽ sinh con?", ''mang thai có đảm bảo được hiệu suất công việc không?''. Dù khẳng định không để việc cá nhân ảnh hưởng đến công việc chung, cô vẫn không qua được vòng phỏng vấn.
"Người trúng tuyển là một nam ứng viên non kinh nghiệm và bằng cấp không bằng tôi", Hương cho hay.
Ông bố hai con Thanh Tùng, 35 tuổi cũng thấy việc đi khám thai không mất quá nhiều thời gian. Như vợ anh thường tranh thủ đi khám vào cuối tuần. "Thay vì tăng thêm ngày nghỉ cho phụ nữ, nên cho đàn ông cũng được nghỉ vì phải đưa đón vợ đi khám thai. Chúng tôi cũng có những trách nhiệm với gia đình và cơ quan, cũng áp lực không kém và cần được thấu hiểu", anh đòi quyền lợi.
Bộ Y tế Việt Nam đang khuyến cáo phụ nữ khám thai tối thiểu bốn lần trong thai kỳ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyên nên có ít nhất 8 lần tương tác với cán bộ y tế trong thai kỳ, tức không phải lần nào cũng cần gặp mặt, thăm khám mà giữ kết nối thông tin với nhau.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Tú Anh, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), dù quốc tế hay Việt Nam cũng chỉ là hướng dẫn, còn thực tế hiện nay phụ nữ, nhất là ở thành phố đi khám thai hàng tháng và trong hầu hết các lần có thăm khám và siêu âm. Hơn nữa các gia đình hiện đại sinh ít con, việc được chăm sóc y tế thường xuyên cho thai phụ và thai nhi là nhu cầu chính đáng.
"Việt Nam đang cố gắng giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở người mẹ và đề xuất của đại biểu không phải không hợp lý", tiến sĩ Tú Anh nói.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP HCM) cũng cho rằng quy định nghỉ tối đa 5 hay 10 lần để khám thai không phù hợp với số đông. Bà kiến nghị luật nên có một khoảng thời gian để người lao động thỏa thuận với chủ lao động, dựa trên kết luận của bác sĩ.
''Không nên cố định được khám thai bao nhiêu ngày mà nên ưu tiên tối đa để phụ nữ chăm sóc sức khỏe thai sản", bà nói.
Theo bà, các doanh nghiệp cần đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu thay vì lợi nhuận. Trẻ em là tương lai của mỗi gia đình và xã hội. Nếu đứa trẻ khỏe mạnh, gia đình yên ổn, người lao động mới yên tâm cống hiến. Bên cạnh đó, khi được quan tâm, chăm sóc, người lao động sẽ ý thức hơn về tính trách nhiệm, tận hiến cho công việc.
Về ý kiến cho rằng khám thai có thể làm tăng phân biệt đối xử với lao động nữ, tiến sĩ Anh Tú này cho rằng đây là quyền lợi của lao động nữ, cũng như của lao động nam. Hơn nữa một lần đi khám không mất quá nhiều thời gian, một khi chuẩn hóa được dịch vụ công và tư, rút ngắn được thời gian thăm khám và thai phụ được cung cấp thông tin theo nhiều cách khác nhau.
Ví dụ Bộ Y tế đang phát triển các phần mềm tăng tương tác cho phụ nữ và thai nhi. Ngay tại CCIHP cũng phát triển một ứng dụng trên điện thoại để kể cả ở miền núi, phụ nữ mang bầu vẫn tương tác được với cán bộ y tế và nhờ đó họ không cần phải đến gặp y bác sĩ thường xuyên mà vẫn được đảm bảo sức khỏe đầy đủ.
Chuyên gia về giới Lê Quang Bình, giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE cho rằng ý kiến "tăng thời gian nghỉ thai sản chỉ làm tăng thêm rào cản với lao động nữ" chỉ là ngụy biện. Nhìn nhận một cách công bằng phụ nữ sinh con cũng là đang đóng góp vào quá trình sản sinh nguồn lao động trong tương lai. Khám thai là yêu cầu sức khỏe nên càng được tạo điều kiện càng tốt cho sức khỏe người mẹ và em bé.
"Nhà nước cần bảo vệ và doanh nghiệp cần thực thi. Nên không thể lấy đó là lý do để phản bác quan điểm tăng ngày nghỉ thai kỳ", ông Bình nói.
Còn những nam giới "đòi quyền lợi bình đẳng" khi thấy phụ nữ được nghỉ khám thai, ông Bình cho rằng đây tiếp tục là sự so sánh khập khiễng. Câu chuyện này tương tự như lần đơn vị ông làm sự kiện, đã có những nam giới yêu cầu nếu phụ nữ có phòng vắt sữa thì cũng cần có phòng hút thuốc cho anh em.
"Bình đẳng giới không chỉ liên quan đến lương, thưởng, còn xét đến cả đặc thù mỗi giới. Cơ thể phụ nữ được cấu tạo để mang thai và sinh con, nghỉ khám thai, thai sản là quyền lợi của họ, chứ không phải là tăng thêm phân biệt đối xử với nam giới", vị này nói.
Dù ủng hộ đề xuất này, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội vẫn lo ngại nó có thể khiến các doanh nghiệp ngại ngần trong tuyển dụng phụ nữ. Để không làm tăng nguy cơ phân biệt đối xử và tạo rào cản cho người lao động, luật nên xem xét cho nam giới nghỉ từ 5-7 ngày/năm khi con ốm, để phụ nữ không phải nghỉ việc quá nhiều.
''Như vậy sẽ tạo ra sự cân bằng và công bằng, thay vì cứ con ốm là người vợ phải nghỉ việc'', bà Hồng nói.
Phạm Nga - Phan Dương