Nhìn tủ đồ đa phần là váy hoa hoặc đồ công sở có thiết kế kín đáo, người phụ nữ 40 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội nói không có sẵn đồ phù hợp, muốn dự tiệc phải mua mới. Trước đây đã có lần tham dự đám cưới yêu cầu mặc theo dresscode (quy tắc về trang phục) nhưng Thư không theo bởi thấy không phù hợp. Lúc chụp ảnh lại bị "lạc quẻ" khiến chị vừa xấu hổ, vừa mất tự tin. "Lần này cũng yêu cầu những màu không hợp. Tôi đang tính chỉ gửi tiền mừng chứ không đến dự", Thư nói.
Theo cô mục đích đi đám cưới là thành tâm chúc phúc, nay lại bị chính cô dâu chú rể yêu cầu mặc theo mong muốn của họ, ở tuổi của chị cảm thấy không thoải mái.
Thư nói mình vốn da ngăm, cơ thể hơi mập, mặc màu vàng đồng hay nâu đất sẽ gây xỉn da. Trắng sữa lại lộ khuyết điểm bụng mỡ với bắp tay to. Trừ phi là người thân thiết buộc phải giữ quan hệ Thư mới chấp nhận mua đồ mới, dù biết trang phục đó chỉ mặc một lần. Còn với các mối quan hệ xã giao, sẽ chỉ gửi quà.
Huyền Trâm ở quận Phú Nhuận, TP HCM thi thoảng nhận được lời mời đám cưới kèm yêu cầu về trang phục. Cô gái 25 tuổi ủng hộ quy định dresscode của cô dâu chú rể vì hợp không gian, đẹp đội hình khi chụp ảnh.
Dù vậy Trâm từng nhận được yêu cầu mặc trang phục màu xanh lá mạ hoặc vàng chanh, khiến người có cơ thể gầy gò như cô trở nên kém sắc, không tự tin xuất hiện trước đám đông.
Cô cũng nhiều lần thử tìm mua đồ mới để đi dự đám cưới nhưng đồ đẹp thì đắt, rẻ lại không ưng ý. Với một người mới ra trường lương chưa đến chục triệu đồng một tháng, mừng tiền đã chật vật, nay phải sắm đồ chỉ dành cho đám cưới vượt quá khả năng chi tiêu.
Mong muốn duy nhất của Trâm là nếu đám cưới yêu cầu về trang phục cũng nên cân nhắc màu dễ mặc, dễ mua tránh gây áp lực cho khách mời.
Chủ đề nên hay không nên yêu cầu dresscode trong tiệc cưới gần đây nhận nhiều quan tâm trên mạng xã hội. Dưới mỗi bài đăng thường có hai luồng ý kiến. Một là đồng tình vì cho rằng mặc trang phục theo yêu cầu đám cưới hợp với bối cảnh, tạo sự đồng bộ và kết nối mọi người. Còn ngược lại thì thấy phiền phức, cho rằng khách mời sẽ rơi vào tình huống khó xử.
"Có thời điểm một ngày tôi dự hai, ba đám cưới. Nếu mỗi đám yêu cầu một dresscode khác nhau, tiền đâu mà đáp ứng đủ mong muốn của cô dâu chú rể?", một người dùng mạng tên Thúy Hà viết.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên viện phó Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong văn hóa truyền thống không có quy định nào về trang phục cho khách mời khi dự tiệc cưới. Bản thân cô dâu chú rể cũng không có quyền yêu cầu khách phải mặc đồ có màu sắc theo ý muốn cá nhân.
Ông Đức cho hay, người đến dự tiệc chỉ cần mặc đồ chỉn chu, lịch sự, bản thân thấy thoải mái. Như vậy họ mới được đi ăn cưới trong tâm thế vui vẻ.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm (Hà Nội) cho biết yêu cầu dresscode đám cưới bắt nguồn từ phương Tây với mong muốn cô dâu chú rể sẽ có ảnh đẹp với khách mời nhưng bản thân vẫn nổi bật nhất.
"Quy định về trang phục thường là màu sắc yêu thích của cô dâu chú rể và có sự hài hòa, đẹp mắt với khung cảnh của đám cưới. Để khách mời dễ chuẩn bị, họ thường chọn những màu trung tính, dễ mặc", bà Hương nói.
Dù vậy theo nữ chuyên gia, yêu cầu này sẽ khiến khách mời mất công chuẩn bị. Chưa kể với một số người, ngày thường tìm được một bộ trang phục đúng ý đã khó, giờ còn phải đúng quy định của bữa tiệc lại càng khó hơn.
Biết dresscode sẽ gây phiền phức cho khách mời nhưng Quỳnh Phương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khi cưới cũng thêm yêu cầu này. Cô cho rằng, nếu không như vậy màu sắc trang trí của bữa tiệc cũng như trang phục của cô dâu chú rể không đồng bộ với khách. Rất có thể người đến dự mặc đồ nổi bật, lấn át cô dâu gây ra mâu thuẫn không đáng có.
Như mới đây, một cô gái 28 tuổi ở TP HCM phải nhận chỉ trích của người dùng mạng khi mặc váy xòe màu be trắng giống màu váy cô dâu, khiến nhiều người nhầm. Mối quan hệ của cô dâu chú rể với người bạn này sau đó cũng bị ảnh hưởng.
Từ sự cố này, bà Hương cho rằng yêu cầu mặc dresscode trong đám cưới có thể hiểu được, nhưng không phải ai cũng dễ dàng thích nghi bởi mỗi người đều có hình dáng, làn da khác nhau. Màu sắc hay kiểu dáng trang phục có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác.
"Điều này vô tình gây áp lực, căng thẳng, mệt mỏi với khách mời, nhất là khi đối phương không có trang phục phù hợp với màu sắc quy định hoặc mặc lên không đẹp", bà Hương nói.
Khảo sát của VnExpress với hơn 2.400 độc giả với câu hỏi "Nếu trên thiệp mời yêu cầu dresscode, bạn sẽ làm gì?", 48% nói không tham dự nhưng gửi tiền mừng; 32% không tham dự và không gửi tiền mừng; 13% mặc theo yêu cầu và 7% tham dự nhưng không mặc theo yêu cầu.
Hoàng Anh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nằm trong số 48%. Chị cho biết mặc gì trong đám cưới là quyền của mỗi cá nhân, cô dâu chú rể không nên can thiệp.
"Nếu họ có quy định về trang phục khi dự tiệc cưới thì tôi cũng có quy tắc của riêng mình, chẳng sợ phải mất lòng ai", người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ.
Không giống Hoàng Anh, Huyền Trâm nói vẫn sẽ dự tiệc cưới bởi không muốn làm phật ý cô dâu chú rể. Nhưng thay vì mua mới hoặc mặc lại đồ cũ cô chọn đi thuê bởi giá rẻ, đa dạng mẫu mã, màu sắc lại phong phú hơn.
Để tránh khó xử với cả hai bên, tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyên cô dâu, chú rể nếu có yêu cầu dresscode nên chọn các màu đại trà để người đến dự có nhiều phương án lựa chọn.
Với khách mời, bà Hương khuyên nên cân nhắc. Trong trường hợp mối quan hệ không quá thân thiết, yêu cầu trang phục lại không phù hợp với bản thân, người được mời có thể từ chối tham dự. Còn nếu đối phương là người quan trọng, bắt buộc phải tham gia, khách mời có thể thống nhất trước với cô dâu chú rể chọn trang phục hợp với bản thân, có màu gần giống với dresscode và giải thích lý do tại sao muốn thay đổi.
"Việc dung hòa giữa yêu cầu của cô dâu chú rể và chia sẻ cảm xúc thật của khách mời sẽ khiến đôi bên cảm thấy vui vẻ, khiến buổi lễ trở nên trọn vẹn hơn", bà Hương nói.
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn