Cô gái 28 tuổi ở quận 3, TP HCM, cho rằng hành động của mình là cách khuấy động không khí, giúp các chiến sĩ vui vẻ, bớt mệt mỏi. Trong lúc bộ đội nghỉ ngơi, được phép giải lao, Minh và nhóm bạn tới gần xin chụp ảnh kỷ niệm, "vì 50 năm mới có một lần", dù thấy các anh bộ đội có phần lúng túng.
"Đi xem duyệt binh mà như ngắm trai đẹp", Minh đùa. Cô nói rất thiện cảm với các chiến sĩ cao hơn 1,8 m, thân thiện, hiền lành.
Ngọc Huyền, 25 tuổi, ở quận Bình Tân, cũng nhiệt tình trêu đùa các chiến sĩ. Trước mỗi buổi tập luyện, cô bằng mọi cách chọn vị trí đẹp để ghi hình, chủ động xin bắt tay, chụp ảnh chung "để thể hiện cảm mến". Huyền cùng nhóm bạn còn nghĩ ra các câu nói vui, rủ các anh bộ đội "bắt trend" điệu nhảy, bài hát trên mạng.
Thấy các chàng trai ngượng ngùng, nhóm càng đùa mạnh, hô vang: "Anh ở rể miền Tây không?", "Anh đánh rơi cô dâu này!", "Cục vàng ơi!".
"Chúng tôi chỉ muốn tạo không khí vui vẻ, về nhà rồi cũng quên hết", Huyền nói.

Các chiến sĩ giữa vòng tay người dân khi lên ôtô ở gần khu vực Bến Bạch Đằng để về đơn vị, tối 25/4. Ảnh: Đức Đồng
Nguyễn Hoàng Sơn, 21 tuổi, chiến sĩ khối Cảnh sát biển trong lễ diễu binh, nói cảm xúc "vừa ngượng vừa vui". "Nghe các cô gái gọi 'chồng ơi' thì đỏ mặt nhưng vui vì thấy người dân dành tình cảm cho mình", Sơn chia sẻ.
Khoảnh khắc xúc động nhất với Sơn là khi đi qua khán đài và nhìn thấy tình cảm nồng nhiệt của người dân hai bên đường. Từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả đều nhiệt tình vẫy chào, cổ vũ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình.
Chị Thu Thảo, 30 tuổi, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, cho rằng cảnh hú hét, nhận "làm vợ" hay người yêu chiến sĩ là phản cảm. Chị còn chứng kiến nhiều người dí sát máy quay vào mặt bộ đội, thậm chí bất ngờ lao tới ôm, trong khi họ mồ hôi nhễ nhại sau giờ luyện tập vất vả.
"Quân đội cần sự trang nghiêm. Diễu binh không thể suồng sã như ở buổi ca nhạc", chị Thảo nói.
Trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, Thread chủ đề "trêu ghẹo bộ đội diễu binh" cũng gây nhiều tranh cãi. Một luồng ý kiến cho rằng cổ vũ vui vẻ thể hiện tình cảm hồn nhiên, tiếp thêm động lực cho chiến sĩ. Luồng khác coi việc trêu đùa, la hét làm mất tính nghiêm trang, đề nghị người dân cổ vũ bằng khẩu hiệu chuẩn mực như "Việt Nam cố lên!", "Tự hào Việt Nam!".
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM, cho rằng sự nồng nhiệt chào đón bộ đội của người dân Việt Nam có nguồn gốc lịch sử. Ông nhắc lại hình ảnh người dân Hà Nội tung cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng năm 1954, đầy cảm xúc nhưng trang trọng hơn.
Theo ông, thế hệ trẻ ngày nay bộc lộ tình cảm trực diện, mạnh mẽ hơn so với trước kia, phản ánh sự tự tin và tính cá nhân trong xã hội hiện đại. Việc thể hiện tình cảm với bộ đội là nét đẹp, thể hiện sự gắn bó quân - dân.
Tuy nhiên, ông Đức lưu ý cần phân biệt giữa sự nhiệt tình hồn nhiên và hành vi quá khích. Lễ diễu binh trang trọng, đòi hỏi sự tôn nghiêm. Cổ vũ là tốt, nhưng cần giữ chừng mực, tránh la hét, trêu ghẹo quá đà, ảnh hưởng đến hình ảnh quân đội và không khí sự kiện.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng việc nhiều cô gái trêu chọc bộ đội trong lễ diễu binh bắt nguồn từ những người có tính cách bộc trực, vô tư. "Họ thường nói thẳng, buột miệng trêu đùa, không hẳn nghĩ sâu xa", bà nói.
Một số bạn trẻ tham gia lễ diễu binh vì hiếu kỳ, muốn kiểm chứng sự nghiêm túc của lực lượng vũ trang đúng như lời đồn hay không. Tâm lý đám đông cũng khiến nhiều người dễ bị cuốn theo, hành xử thiếu chuẩn mực.
Đặc biệt, sự phát triển của mạng xã hội góp phần thúc đẩy hành vi này.
"Nhiều người cố tình chọc ghẹo, dùng ngôn ngữ độc lạ để quay phim, đăng mạng nhằm gây chú ý", tiến sĩ Minh phân tích. Ngôn ngữ mạng xã hội cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ, khi những câu như "em muốn rụng trứng khi nhìn thấy anh" bị lạm dụng bừa bãi.
Ngoài ra, việc được cộng đồng mạng cổ vũ qua lượt "like", "share" dễ khiến người trẻ lầm tưởng hành vi của mình được ủng hộ, dù thực tế gây khó chịu cho người khác.
Tiến sĩ Minh đồng quan điểm với phó giáo sư Lê Quý Đức cho rằng lễ diễu binh là sự kiện trang trọng, cần dùng ngôn từ tích cực, phù hợp tính chất nghi lễ. "Ở nơi đông người, gồm cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi, cần kiểm soát lời nói. Diễu binh không phải buổi biểu diễn giải trí", bà nói.
Theo bà, nghi thức này còn được bạn bè quốc tế theo dõi. Những lời lẽ thiếu chuẩn mực có thể làm xấu hình ảnh quốc gia. "Nếu muốn bày tỏ tình cảm, hãy dùng ngôn từ tích cực như 'Chúng tôi tự hào về các anh', tránh những câu dễ gây hiểu lầm", bà Minh nói.
Dòng người theo sau các khối hợp luyện diễu binh. Video: Tuấn Việt - Công Khang - Minh Trịnh
Xem một số bình luận, tranh cãi trên mạng xã hội, Hoàng Minh hơi chột dạ. Cô không nghĩ những lời nói, hành động vô tư của mình là phản cảm, nhưng cũng thừa nhận "chưa phù hợp" trong không khí diễu binh trang trọng.
"Dù sao mấy buổi trước cũng chỉ là sơ duyệt, tổng duyệt. Đến chính lễ, tôi tin nhiều chị em cũng như tôi, sẽ thể hiện tình cảm chừng mực và phù hợp", cô nói.
Phạm Nga - Quỳnh Nguyễn