Chiều 30/11, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy làm việc với đại diện ban tổ chức để đưa ra phương án xử lý sau khi triển lãm kết thúc vào ngày 10/12. Họa sĩ rút tác phẩm về sau buổi làm việc. Anh gửi tranh tới ban tổ chức ngày 24/10. Hiện nguyên nhân tranh bị hỏng chưa được xác định. Ông Bùi Kỳ Đà - Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - cho biết sẽ trích xuất camera để tìm hiểu.
Theo Quốc Huy, tác phẩm của anh được định giá khoảng 50.000 USD, sẽ mất nhiều thời gian, công sức để khắc phục. Anh nói: "Tôi từng tham gia nhiều triển lãm nhưng chưa từng gặp trường hợp này. Tác phẩm hỏng, họa sĩ là người đau xót nhất. Tôi chắc chắn yêu cầu ban tổ chức đền bù. Đó không phải là hành động ăn vạ mà là bài học cho họ về khâu tổ chức".
Tại họp báo khai mạc triển lãm chiều 1/12, ban tổ chức thừa nhận ngoài tranh của họa sĩ Quốc Huy, bốn tác phẩm khác bị hỏng nhưng không công bố cụ thể. Ông Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh, đại diện đơn vị tổ chức - nói: "Chúng tôi đã gọi điện thông báo, xin lỗi, thỏa thuận làm việc với các tác giả sau khi triển lãm kết thúc. Sự kiện có quy mô lớn, quy tụ gần 500 tác phẩm nhưng chỉ có hơn 100 nhân viên lo liệu, không thể tránh khỏi sai sót. Tác phẩm bị hỏng, chúng tôi cũng rất đau xót. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vào năm sau".
Họa sĩ, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình Phan Cẩm Thượng - Ủy viên hội đồng nghệ thuật triển lãm - nhận định: "Với cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp hiện tại, việc xước, hỏng thậm chí mất tranh đều có thể xảy ra. Tôi từng có sản phẩm bị hỏng".
Theo ông, lỗ hổng lớn của hoạt động tổ chức triển lãm trong nước là không có đơn vị vận chuyển, trưng bày chuyên nghiệp. Khi đóng tranh trong kiện hàng, khung kính dễ bị vỡ, đâm vào bề mặt. Các bảo tàng, đơn vị trưng bày sắp xếp, phân bổ vị trí tác phẩm không hơp lý, mất thẩm mỹ. Việc bảo quản không chu đáo, khiến vôi, bụi rơi vào, ảnh hưởng chất lượng tranh. Ông cũng cho rằng họa sĩ Việt Nam thường không mua bảo hiểm tác phẩm, khó đòi bồi thường khi xảy ra hư hại.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (hay còn gọi là Triển lãm Mỹ Thuật Việt Nam) được tổ chức 5 năm một lần, nhằm ghi nhận thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc... Năm nay, ban tổ chức nhận được 3.571 tác phẩn của 1.382 tác giả. Hội đồng nghệ thuật lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày từ ngày 1 đến 10/12. Trong số đó, thể loại điêu khắc và sắp đặt có 117 tác phẩm. Các lĩnh vực hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video nghệ thuật và các hình thức đương đại có 380 tác phẩm. Ban tổ chức sẽ chọn ra 29 tác phẩm xuất sắc để trao sáu giải nhì, 11 giải ba và 12 giải khuyến khích.
Thu Huế