Độc giả tên Phượng chia sẻ quan điểm cũng như kinh nghiệm dạy con trước khi vào lớp 1.
Tiếp tục chuỗi bài về các bé mới vào lớp 1, tôi có một số kinh nghiệm thực tế muốn chia sẻ như sau:
Thứ nhất, không nên nghe kiểu như vào học lớp 1 các con như tờ giấy trắng, chưa biết chữ, chưa biết viết và cũng chưa có tâm lý cho việc học lớp 1. Tất cả chúng ta đều muốn con mình được chơi, nhưng vì cải tiến giáo dục vẫn chưa biết khi nào có kết quả thực tế, bệnh thành tích vẫn tràn đầy, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa tốt, một cô giáo với hơn 50 học sinh và quá nhiều việc vặt cần hoàn thành, nên không thể hy vọng cô nắm tay, dìu dắt từng cháu từ lúc chưa biết gì đến lúc đọc thông viết thạo trong khoảng thời gian ngắn như Bộ Giáo dục yêu cầu được.
Vì thế, chúng ta vẫn nên lồng ghép việc dạy học cho con từ khi 5 tuổi, thậm chí từ trước đó theo hình thức học là chơi, chơi là học, để con không cảm thấy bị căng thẳng vì học chữ. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, từ rất bé, tôi đã cho con tiếp xúc nhiều với sách, nghe đọc sách, đi nhà sách, tiếp xúc mọi chỗ với ngôn ngữ, để bé có vốn về ngôn ngữ và không ngợp trước sách vở.
Thứ đến là tôi đặt ra mục tiêu rõ ràng cho việc chuẩn bị vào lớp 1. Cụ thể ở đây là trước khi vào lớp 1, con phải đọc thông, tức là biết hết bảng chữ cái, đọc được hết sách. Hoàn toàn không luyện viết, hoàn toàn không đi học thêm cô hay tham gia các lớp tiền lớp 1. Vì tôi nghĩ không nên học hết phần của cô, phải để lại một phần để cháu còn có hứng thú khi lên lớp.
Để đạt được mục tiêu đọc thông, từ khoảng khi bé 5 tuổi, tôi kết hợp nhiều cách. Ví dụ mua thẻ chữ, thẻ số, nhận mặt chữ cái, rồi bắt đầu ghép chữ thành từ đơn giản, hướng dẫn bé cách đánh vần từ đơn giản. Sau đó tiến tới đánh vần dần các từ ghép nhỏ trong những bộ thẻ học, tìm cuốn truyện thật đơn giản, nội dung có thể hài hước, nhưng nhất thiết các dòng chữ phải lặp đi lặp lại để con tự đọc (thường là truyện Ehon của Nhật Bản).
Song song với việc nhận diện mặt chữ và đánh vần đơn giản, bé bắt đầu với việc học đánh vần miệng những chữ khó hơn. Cứ khi nào có thời gian đi bộ cùng con, mẹ con sẽ chơi trò học đánh vần. Ví dụ từ “khoai”, lúc đầu chỉ yêu cầu con đánh vần “khờ oai khoai”, còn thế nào để có chữ “kh” hay chữ “oai” thì không cần biết. Cứ thế con sẽ biết cách đánh vần tất cả mọi từ, thêm dấu vào, tất cả chỉ dừng lại ở đánh vần miệng.
Tiếp đó cũng bằng cách đánh vần miệng trên đường, con sẽ học đánh vần âm “oai” là do từ o+a+i ghép lại. Mẹ cứ đọc ươc thì con sẽ đoán và dần dần sẽ biết nó là “ước”. Cứ như thế tích lũy dần. Đến lúc con tích lũy đủ, lúc đó mẹ mới bắt đầu mua sách tiếng Việt hoặc các sách chữ to và dạy con một cách bài bản hơn.
Khi con đã tích lũy thật nhiều và có thể tự đọc chậm được thì lúc đó sẽ cho con đọc những cuốn truyện con thật sự thích. Với con tôi thì đó là sách Tôn Ngộ Không và Little Pony. Vì con đã thích và biết nội dung sách, vừa đọc, vừa đoán nội dung, con sẽ rất hứng thú và cải thiện việc đọc từ lúc nào không hay.
Sau khoảng tầm một năm vừa học vừa chơi như thế, việc đọc với con thấm rất nhẹ nhàng, và khi bước vào lớp 1, tất cả những gì con cần chỉ là tập trung viết theo yêu cầu của cô, làm bài tập về nhà mà không phải đánh vật với việc nhớ chữ, nhớ từ, tập đọc…
Theo cá nhân tôi thấy chỉ việc học viết thôi mà con tôi cũng đã mất khá nhiều thời gian học rồi, nói gì những bạn hoàn toàn như tờ giấy trắng, lúc đó đúng thật là cơn ác mộng. Bên cạnh việc học đọc, trước thời gian học lớp 1, các bé cũng cần được chuẩn bị tâm lý về những khó khăn vất vả khi bước vào học, không tô hồng mọi việc, để bé cũng có tâm thế tốt hơn khi chuyển từ chơi sang học.
Vài kinh nghiệm chia sẻ với các bạn. Chúng ta cho con học trước không phải vì mong con học xuất sắc gì, chỉ là giảm tải để con nhìn nhận việc học tập nhẹ nhàng hơn thôi. Và trên hết tôi vẫn mong Bộ Giáo dục giảm tải cho các con, để các con thật sự cảm thấy “được” học chứ không phải là “phải” học.
Phượng