Theo The Paper, tác phẩm đang được triển lãm ở Bảo tàng Tam Hiệp tại Trùng Khánh, nhằm giới thiệu cuộc sống dân gian thời Thanh.
Vạn hốt triều thiên nằm trong danh sách quốc bảo, vốn được lưu giữ ở Bảo tàng Thiên Tân, không được phép mang ra nước ngoài triển lãm. Phía Bảo tàng Tam Hiệp và Bảo tàng Thiên Tân mất hơn hai năm thảo luận, thỏa thuận mới có thể lần đầu đưa tác phẩm tới Trùng Khánh.
Tranh không đề tên tác giả, tả cảnh Càn Long (1711-1799) đi tuần tới Tô Châu, quan viên và bách tính đổ ra đường nghênh đón hoàng đế. "Hốt" là từ chỉ tấm gỗ quan viên thường cầm trên tay khi diện kiến vua. Tấm hốt được dùng để ghi nội dung tham tấu hoặc ý chỉ của nhà vua. Tên tranh ngụ ý "hàng vạn người hướng về thiên tử".
Tác phẩm được vẽ trên lụa từ thanh - một loại vải khó chế tác, hiếm có, đắt đỏ thời bấy giờ. Loại vải này chỉ giai cấp thượng tầng mới có khả năng sử dụng. Màu mực được pha từ bột vàng, bột đá xanh lam, xanh lá. Vì thế, sau gần 300 năm, bức tranh vẫn giữ được màu tươi sáng, óng ánh.
Bắt đầu từ ngoại ô thành Tô Châu, tác giả vẽ các địa danh ở đây như núi Chi Nghiên, núi Linh Nham, Quan Âm Viện, đình Phóng Hạc, lầu Thính Tuyết, Cao Nghĩa Viên, suối Bạch Vân. Những địa điểm này được miêu tả chính xác về vị trí.
Trọng tâm bức tranh là khu vực núi Linh Nham và núi Thiên Bình, các quan văn võ địa phương mặc triều phục, quỳ gối hàng dài chờ nhà vua. Theo sử sách, những người già trên 80 tuổi được ưu tiên quỳ ở gần vị trí nhà vua ngang qua.
* Ảnh: Chi tiết bức "Vạn hốt triều thiên"
Tổng cộng hơn 2.000 nhân vật xuất hiện, trong đó, nhân vật được vẽ to nhất chỉ cao 2,5 cm. Dù vậy, các bộ phận như mắt, mũi, miệng mỗi người đều rõ ràng, động tác nhân vật cũng đa dạng.
Chủ đề tranh là chuyến đi tuần của Càn Long nhưng nhà vua không được khắc họa. Vương Kỳ Việt, người phụ trách triển lãm, cho biết tác phẩm không phải do họa sĩ cung đình thực hiện. Chỉ có họa sĩ cung đình mới được phép vẽ Càn Long, khi có lệnh của hoàng đế. Còn Vạn hốt triều thiên do Phạm Dao - hậu duệ của một đại thần thời Tống - sai người thực hiện. Phạm Dao cung tiến tác phẩm cho Càn Long.
Tranh có con dấu của hoàng đế Phổ Nghi. Khi ở Tử Cấm Thành, Phổ Nghi tìm cách đưa các báu vật ra khỏi cung, đề phòng sau này ông không giữ được chúng. Lấy danh nghĩa ban thưởng cho em trai Phổ Kiệt và một số người khác, Phổ Nghi đưa được nhiều tranh, đồ gốm rời Tử Cấm Thành.
Năm 1924, Phổ Nghi bị đuổi khỏi cung, từ đó sinh sống ở Thiên Tân, ông bán tranh cho một nhà sưu tầm. Sau này, bảo tàng Thiên Tân mua lại tác phẩm, Vạn hốt triều thiên trở thành "linh hồn" của bảo tàng.
Nghinh Xuân (theo The Paper, Sohu)