Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ năm, 31/8/2023, 20:27 (GMT+7)

Trăng Xanh rực sáng trên bầu trời

Tối 31/8, nhiều người ghi nhận được hình ảnh siêu trăng hay còn gọi là Trăng Xanh lớn và sáng nhất năm 2023.

Siêu trăng xuất hiện vào ngày 30 và đạt cực đại đêm 31/8, biệt danh Trăng Xanh. Tên gọi Trăng Xanh không liên quan tới màu sắc của Mặt Trăng mà xuất phát từ thực tế đây là lần trăng tròn thứ hai trong tháng 8. Trăng Xanh có thể quan sát từ nhiều địa điểm tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Trong ảnh siêu trăng quan sát tại quận Nam Từ Liêm, lúc 19h10. Ảnh: Vũ Anh

Lê Vũ Anh (Hà Nội) cho biết, thời tiết tối 31/8 có mây mù và Mặt Trăng ở tầm thấp nên tương đối khó chụp. Vì vướng tòa nhà cao tầng, anh canh "chờ trăng lên" suốt gần một tiếng để chụp được bức ảnh ưng ý.

Đây là siêu trăng thứ ba và gần nhất trong số 4 đợt liên tiếp vào các tháng 7,8 và 9 năm 2023. Ở khoảng cách 357.344 km từ Trái Đất, đây là siêu trăng lớn và sáng nhất năm, dù chỉ gần hơn 33 km so với siêu trăng hôm 1/8 (357.311 km).

Người quan sát cũng không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ bảo vệ mắt nào khi ngắm Trăng, tuy nhiên nếu điều kiện không thuận lợi (khi trời có mây hoặc bầu trời quá ô nhiễm), bạn có thể không quan sát được hiện tượng này. Ảnh: Vũ Anh

Nguyễn Văn Tuấn, admin CLB Thiên văn nghiệp dư Quảng Ngãi (QAAC), cho biết khá vui vì đây là một trong những lần hiếm hoi của sự kiện Trăng Xanh, điểm đặc biệt lại là siêu trăng. "Bức ảnh siêu trăng được mình chụp qua kính thiên văn khúc xạ tự chế tại TP Quảng Ngãi", Tuấn nói với VnExpress. "Do thời tiết không được thuận lợi, mây nhiều nên phải đợi khá lâu để "canh" được bức ảnh như ý", anh nói. Ảnh: Văn Tuấn

Tại Việt Nam, siêu trăng có thể trông to hơn và sáng hơn khoảng 7% so với Mặt Trăng tròn thông thường, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết.

Trong ảnh là siêu trăng do Nguyễn Trọng Hiếu (16 tuổi) chụp tại TP Điện Biên Phủ, Điện Biên. Ảnh: Trọng Hiếu

Hiếu sử dụng điện thoại kết hợp cùng kính thiên văn để chụp bức ảnh trăng tròn, to và sáng hơn so với thời điểm thông thường. Ảnh: Trọng Hiếu

Siêu trăng lên dần từ ngọn núi Mỏ Neo của Hà Giang. Ảnh: Huy Nguyen

Trăng tròn chụp lúc 20h03 tại xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ảnh: Đoàn Dương

Trăng tròn diễn ra theo chu kỳ 29,53 ngày nhưng siêu trăng hiếm gặp hơn nhiều. Siêu trăng xảy ra khi trăng tròn trùng với cận điểm, điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo. Siêu Trăng sẽ trông lớn và sáng hơn vì đến gần Trái Đất hơn bình thường (khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng là 384.400 km).

Nhiều người hào hứng chia sẻ khoảnh khắc "săn" được mặt trăng to, tròn trên bầu trời. Ảnh: Duong Tuan Bao

Theo chuyên gia, sự biến đổi pha của Mặt Trăng là liên tục bởi nó không "nhảy" thành bước trên quỹ đạo và dịch chuyển liên tục, vì thế trăng tròn là một điểm chứ không phải một ngày. Bởi vậy tối 30 và tối 31/8, Mặt Trăng về cơ bản là tròn như nhau đối với người quan sát tại Việt Nam.

Vào đợt siêu trăng cuối cùng của năm 2023 hôm 28/9, Mặt Trăng sẽ bay cách Trái Đất 361.552 km. Năm 2024 chỉ có hai đợt siêu trăng, lần lượt vào các ngày 18/9 và 18/10.

Trong ảnh chụp tại Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội tối 31/8. Ảnh: Hoàng Trung

Như Quỳnh