- 2013 là năm cuối cùng chị sống với nghề người mẫu. Quyết định từ bỏ sàn catwalk là hoàn toàn bột phát hay chị đã dự tính từ trước?
- Thực ra tôi lên kế hoạch giải nghệ khỏi làng mẫu từ ba năm trước. Ban đầu, tôi định rời sàn catwalk vào 2012 nhưng do một số lý do riêng nên phải chuyển sang 2013. Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng bởi chiều cao của tôi giờ không còn phù hợp với làng mẫu hiện đại nữa. Bên cạnh đó, việc chia tay với nghề sẽ giúp tôi tập trung làm kinh doanh và theo đuổi đam mê lớn nhất là điện ảnh.
- Nếu có người cho rằng Trang Trần bỏ nghiệp vì sợ bị lấn át bởi các đàn em nổi bật hơn, chị nói sao?
- Có lẽ tính tôi đàn ông nên không để tâm đến chuyện các người mẫu mới có cướp hào quang từ tay mình hay không. Thậm chí, tôi còn rất quý các em. Cách họ tuân thủ chặt chẽ quy định khiến tôi vui và thoải mái khi làm việc cùng. Điều đó cho thấy làng thời trang Việt đang phát triển đúng hướng. Ví dụ trong show Vietnam Fashion Week cuối năm ngoái, Thùy Trang Next Top được giao một đôi giày không vừa nên không thể kéo hết khóa khi lên sân khấu. Biết sẽ phải chịu đau đớn, cô ấy vẫn ních chân vào cho đúng ý tưởng nhà thiết kế. Đó mới là một người mẫu thực thụ. Trong khi, trước đây, tôi từng rất hay mệt mỏi và ức chế vì những người mẫu thế hệ cũ thiếu chuyên nghiệp. Không chỉ đến tập chương trình muộn khiến cả êkíp phải chờ đợi, họ còn thích đòi một mình một kiểu trang điểm, làm tóc, ăn mặc làm sai hết cả ý tưởng của nhà thiết kế.
- Chị hãy chia sẻ một ví dụ rõ hơn về sự thiếu chuyên nghiệp của một số người mẫu thế hệ cũ?
- Có một em người mẫu từng tìm đến quán bún đậu của tôi, ngồi tỉ tê chuyện bị đàn chị nổi tiếng giành giật đồ diễn trong một chương trình truyền hình trực tiếp. Dù bị từ chối, cô người mẫu đình đám kia vẫn nằng nặc đòi hỏi nhà thiết kế, bằng không cô ta nghỉ diễn. Do tình thế quá cấp bách nên nhà thiết kế buộc phải năn nỉ cô em tôi nhường đồ cho chân dài nọ.
Chưa hết, đổi xong quần áo, người mẫu đàn chị kia lấy lý do đôi giày bata được giao không vừa nên vẫn không chịu diễn và đòi đổi giày cao gót. Khi trợ lý nhà thiết kế nói: "Chị là người mẫu thì nên đi kiểu giày mà nhà thiết kế đã chọn", cô ấy rút guốc ra chỉ thẳng vào đầu người kia rồi dọa nạt thô lỗ: "Em có hiểu gì về thời trang không?". Tôi cảm thấy thật nực cười. Tôi nghĩ những người mẫu như vậy nên bị đào thải. Bản thân tôi cũng nói lại với các đàn em rằng không nên để bụng những người ngớ ngẩn như vậy mà hãy thấy thương hại cho họ vì không biết mình đang đứng ở đâu.
- Bảy năm làm người mẫu chuyên nghiệp, hẳn chị cũng từng bị chèn ép. Lúc đó chị xử lý ra sao?
- Bản thân tôi từng gặp tình cảnh ấy vài lần rồi. Cũng trong chương trình tìm kiếm nhà thiết kế tài năng mới đây trên truyền hình, tôi được chọn làm vedette và một người mẫu khác làm "first face" (người mở màn). Theo trình tự, mọi người kết thúc vòng đi của mình thì về chỗ ngồi trên sân khấu rồi lần lượt kéo ghế vào trong hậu trường theo thứ tự từ người mở màn cho đến vedette. Đến lúc tất cả đã an toạ trên ghế, người mẫu "first face" lại ngồi yên không chịu đứng dậy. Tất cả đàn em xung quanh do thiếu kinh nghiệm cũng chỉ ngơ ngác không biết làm gì khác.
Để "chữa cháy", tôi kéo ghế đi vào cánh gà đầu tiên. Khi cô người mẫu nọ vào hậu trường, tôi nói thẳng: "Tốt nhất lần sau bạn hãy làm đúng nhiệm vụ của mình. Còn nếu thích vị trí vedette thì nói một câu, tôi nhường bạn ngay. Đừng biến mọi người xung quanh thành những đứa ngu trên sân khấu". Tôi nói vậy để lần sau người ấy "cạch" mặt mình ra. Hơn nữa, bản thân tôi tự tin rằng dù được giao cho bất kỳ vị trí nào thì khán giả cũng đều nhận ra mình trên sàn diễn.
- Từng nhiều lần làm vedette và có danh tiếng trong làng mốt, năm vừa qua chị gây xôn xao khi tự mình đi casting cho show của Công Trí như những chân dài mới vào nghề khác. Lý do đặc biệt nào khiến chị làm vậy?
- Tôi nghĩ việc mình đi casting show của Công Trí là bình thường. Ở nước ngoài, những chân dài nổi tiếng tầm cỡ như Gisele Bundchen hay Naomi Campbell cũng đều đi casting thì cớ gì Việt Nam lại làm ngược lại. Việc đó không phải thể hiện đẳng cấp của người mẫu mà để nhà thiết kế thấy được thân hình của mỗi chân dài có phù hợp với bộ sưu tập hay không. Bản thân tôi là người mẫu lâu năm nhưng cũng chẳng có gì khác biệt so với các em ít kinh nghiệm hơn cả, mọi người đều bình đẳng và có cơ hội như nhau trong mỗi show diễn.
- Chị được nhà thiết kế ưu ái thế nào khi tự đi casting như vậy?
- Nguyên tắc của tôi là không dùng mối quan hệ riêng để gây áp lực khiến các nhà thiết kế phải để mình diễn show. Do đó, khi đi casting, tôi cũng xếp hàng lấy số như mọi người chứ cũng chẳng đòi hỏi đặc quyền gì hết. Đó cũng là cách tôn trọng những người mẫu khác và làm gương cho đàn em. Một số người từng nói tôi lợi dụng điều đó để lăng xê bản thân. Tuy vậy, tôi cũng không ái ngại những lời dèm pha. Quan trọng là mình có cảm thấy hối hận về những gì đã làm hay không.
- Hành động khiến chị hối hận nhất khi đối diện với những lời dèm pha là gì?
- Hồi dính scandal "lợi dụng đồng nghiệp bán dâm bị bắt để đánh bóng tên tuổi", tôi chỉ biết đi giải thích với mọi người xung quanh một cách kém chọn lọc. Kết quả là có những người không hiểu hết câu chuyện của mình lại nghĩ tôi vừa ăn cắp, vừa la làng khiến bản thân tôi bị tổn thương. Đến lúc nhìn lại, tôi chỉ biết trách bản thân vì đã không tỉnh táo để giữ cho mình được trong sạch. Bài học tôi rút ra là cần chọn đúng người để chia sẻ.
- Những scandal đại gia-chân dài xảy ra hàng loạt khiến không ít người đặt câu hỏi liệu cát-xê của người mẫu không đủ để sống. Là người trong cuộc, chị giải thích thế nào?
- Cát-xê của một người mẫu hiện nay khoảng 20-30 triệu đồng, thừa đủ để sống. Tôi mở quán bún đậu để kinh doanh thêm chứ chưa bao giờ dùng tới số tiền kiếm được từ quán. Bản thân tôi nghĩ phải tự bằng lòng với những gì mình kiếm được chứ không suốt ngày sắm đồ hiệu hay sống quá xa xỉ như một số người. Tại sao scandal đại gia-chân dài chỉ nhắm vào một số đối tượng thích khoe của còn những người như tôi hay các chân dài khác thì không xảy ra. Trèo cao thì ngã đau thôi.
- Trong khi không ít đồng nghiệp đã tìm được chỗ dựa vững chắc thì chị vẫn chọn cuộc sống tự do dù đã tìm thấy một nửa của mình. Vì sao vậy?
- Tôi không vội. Khả năng nghe của con tôi, Bảo Bảo, không được tốt lắm nên năm vừa rồi tôi dành thời gian đưa con sang Mỹ để điều trị.
- Ngoài chữa được bệnh cho con, chị còn mong làm được những gì trong năm 2014?
- Diễn xuất là niềm đam mê lớn nhất của tôi nên trong năm mới, tôi cũng mong được nhận về một nhà hát kịch nào đó. Tuy vậy, tôi sẽ không bỏ việc kinh doanh. Năm 2014, tôi định dần mở một chuỗi cửa hàng từ ăn uống, giải khát cho đến... rửa xe (cười), miễn là kiếm ra tiền và giúp những người khác kiếm được việc làm. Ngoài ra, tôi cũng sẽ gây dựng hình ảnh để mọi người yêu mến và giúp đỡ mình gây quỹ từ thiện nhiều hơn hơn. Nếu số tiền này lớn vừa đủ, tôi sẽ dùng nó để xây một trại dưỡng lão. Bên cạnh đó, tôi còn định mở thêm một quán chay mang tên "cô Khàn" để kiếm tiền nuôi các cụ (cười).
Thành Trương thực hiện