Trang trại của Viện nghiên cứu và phát triển Công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây do nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn lập nằm ở xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội). Nơi đây nuôi hơn 300 vịt trời và 52 con ngỗng đang trong quá trình thuần hóa. Thấy người vào chuồng thăm, lũ vịt ùa xuống hồ bơi rồi cạp cạp inh ỏi, dang cánh quạt rào rào mặt nước.
Ý tưởng của ông Tạn xuất phát từ một lần đọc báo thấy trang trại nuôi vịt trời của người nông dân trên hồ Cấm Sơn (Bắc Giang). Lặn lội lên thăm để tham khảo mô hình, ông nhớ mãi món thịt vịt trời mà người chủ thết đãi. Một câu hỏi nảy ra trong đầu ông: "Tại sao không nhân giống những loài này để chúng sinh trưởng. Trước là nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen hoang dã đang có nguy cơ lên bàn nhậu. Sau đó tiến dần đến việc thuần hóa vịt, ngỗng trời, thậm chí là le le... để chúng sinh trưởng, cung cấp cho xã hội, giảm săn bắt trong thiên nhiên".
Góp nhặt kinh nghiệm của người nông dân và ý tưởng táo bạo trong đầu, ông thuyết phục những cộng sự ở Viện nghiên cứu cùng tham gia. Ông lặn lội đi tới các vùng biển Thái Bình, Nam Định và nhiều nơi khác để mua vịt trời, ngỗng trời từ thợ săn trước khi chúng bị lên đĩa nướng trong các nhà hàng. Nửa năm, ông có hơn 300 con vịt trời và 52 con ngỗng trời.
"Việt Nam là xứ ấm, bãi đáp của nhiều loài vịt, ngỗng trời, sâm cầm, le le. Đến mùa lạnh là chúng lại bay về đây tránh rét. Những loài này không khó nuôi, có điều sinh sản hơi kém", ông Tạn nhận định.
Trang trại hơn 4 ha dành một phần quây làm chỗ ở cho chúng. Giữa trại có ao lớn được ngăn ra thành từng ô nhỏ. Vịt trời, ngỗng trời có đặc tính bay rất giỏi nên ông phải cho quây lưới kín xung quanh khu vực nuôi.
Vịt trời có đuôi cong vút, cổ xanh biếc. Nghe tiếng người mở cửa vào chuồng cho ăn, chúng từ dưới ao vỗ cánh bay lên. Thức ăn dành cho loài thủy cầm đơn giản là gạo, cám. Lúc đầu, bầy vịt hoang dã còn xa lạ với sự chăm sóc của con người, nhưng để đói là chúng phải tự động mổ thức ăn rồi quen dần.
Quen sống trong môi trường tự nhiên nên loài này có sức đề kháng tốt, song ông Tạn vẫn cho chúng tiêm phòng đầy đủ. Cách nuôi vịt, ngỗng trời không có sách nào dạy, ông phải tự mày mò, chắt lọc từ cách chăn nuôi vịt nhà. Những kinh nghiệm quý báu từ thời còn giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm giúp ích cho ông khá nhiều.
Hiện nay, trang trại đã dừng thu mua mà chỉ tập trung vào khâu nhân giống, chọn lọc. Đàn vịt trời qua nửa năm sinh trưởng đã bắt đầu đẻ trứng và ấp hàng nghìn trứng. Có nhiều nơi biết trang trại nuôi vịt, ngỗng trời nên đặt mua, nhưng ông Tạn không bán. Mục đích ông nuôi lứa đầu tiên này để lấy giống và hoàn thiện kỹ thuật nuôi.
"Hôm trước, anh em trong trang trại được thưởng thức món vịt trời rồi, còn ngỗng thì vẫn đang trong quá trình gây giống, lại ít nên chưa dám ăn", ông Tạn cười cho hay.
Ngoài nuôi vịt, ngỗng trời thì trang trại còn trồng thạch hộc tía. Đây là loài cây vừa làm cảnh, vừa làm cây thuốc quý hiếm, đứng đầu bảng trong 9 loại tiên dược của cổ thư đông y. "Thạch hộc trồng một lượt có thể thu hoạch trong 6 năm, đầu tư ban đầu tốn kém nhưng năm thứ hai có thể thu hồi vốn, năm thứ ba có lãi. Loài này rất thích hợp với khí hậu miền núi phía Bắc Việt Nam", ông rút ra kinh nghiệm qua một lần thất bại khi trồng thạch hộc tía.
Theo nguyên Phó thủ tướng, người nông dân khi làm trang trại xác định nuôi, trồng cái gì coi như thành công một nửa. Tiếp đến mới là các khâu học cách quản lý tốt và ứng dụng khoa học vào chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Tạn mong muốn trong tương lai những mô hình như trên được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành, để người nông dân có nhiều cơ hội làm giàu hơn.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp, ông Nguyễn Công Tạn công tác trong ngành nông nghiệp. Năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, sau đó là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tiên (1995). Ông Tạn giữ chức vụ Phó thủ tướng từ năm 1997 đến năm 2002. |
Phương Hòa - Xuân Bắc