Ký giả Xiaowei Wang của Guardian đến Quảng Châu, thành phố 14 triệu dân ở miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2018. Đây là địa điểm đầu tiên trong hành trình của cô nhằm tìm hiểu cách trí tuệ nhân tạo (AI) thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm của nước này.
Trung Quốc là nước sản xuất nhiều thịt lợn nhất thế giới, sản lượng xuất xưởng những năm gần đây được mô tả là "phép màu thịt lợn". Lượng tiêu thụ ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh những năm tới. Nhiều nông dân đang chuyển hướng đến AI nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Tại Tương Dương, cách Quảng Châu vài giờ lái xe, thịt lợn rất phổ biến, nhưng lợn sống rất khó tìm. Mối đe dọa của dịch tả lợn châu Phi khiến chính quyền địa phương ra lệnh tiêu hủy lợn tại các nông trại nhỏ thuộc sở hữu của gia đình. Nhiều người dân từ bỏ nuôi lợn do chi phí cao, trong khi không có nhiều lợi nhuận.
"Chăn nuôi trên quy mô công nghiệp là bước đi hợp lý tại Trung Quốc, khi hơn 90% gia súc gia cầm trên thế giới đang sống trong các trang trại công nghiệp. Hai phần ba sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc nằm trong tay các tập đoàn lớn. Họ đang hỗ trợ 'phép màu thịt lợn' bằng những biện pháp giảm chi phí và ứng dụng công nghệ hiện đại", Li Juanhu, chủ sở hữu trang trại nuôi lợn ở Phúc Kiến, cho hay.
Một trang trại lợn công nghiệp hoạt động giống xưởng sản xuất smartphone hơn là những nơi chăn thả ở vùng ngoại ô. Gần như không có tương tác giữa người và lợn. Con vật được giữ trong khu vực khép kín và theo dõi qua camera.
Mỗi đàn lợn được giám sát chặt chẽ để phát hiện dấu hiệu ốm bệnh. Lợn là loài rất dễ tổn thương, chúng có thể bị căng thẳng và đổ bệnh chỉ bởi thay đổi nhỏ trong nguồn nước. Các nhân viên trang trại phải đeo khẩu trang và quần áo bảo hộ kín khi cần can thiệp gần đàn lợn. "Họ trông giống các kỹ sư trong nhà máy bán dẫn hơn là nông dân", Wang nói.
Một trong những loại thịt lợn ngon nhất Trung Quốc đang được sản xuất bởi NetEase - một trong các tập đoàn game và Internet lớn nhất thế giới. Từ năm 2009, NetEase đã hoàn thiện nghệ thuật chăn nuôi lợn. Câu chuyện của họ bắt đầu khi người sáng lập Ding Lei ăn lẩu với bạn bè. Ông tỏ ra lo ngại rằng món tiết lợn là đồ tổng hợp và bắt đầu vạch kế hoạch thâm nhập thị trường thịt lợn.
Ding thành lập bộ phận chuyên sản phẩm nông nghiệp mang tên Weiyang. 10 năm sau, thịt lợn của họ đã được bán trên mạng và nhiều cửa hàng bán lẻ khắp Hàng Châu, thủ phủ phần mềm của Trung Quốc.
Nông trại của NetEase ở Lư Sơn kết hợp giữa sự chính xác của nhà máy điện tử và cảm giác sạch sẽ, được quản lý chặt chẽ của một khu nghỉ dưỡng. Những con lợn có cuộc sống được tối ưu hóa, với những bài tập thể chất đều đặn và khẩu phần ăn được tính toán kỹ. Chúng còn được nghe nhạc để thư giãn, biện pháp có thể giúp cải thiện chất lượng thịt, do tình trạng căng thẳng trước khi giết mổ sẽ thay đổi quá trình trao đổi chất ở lợn, khiến thịt của chúng khô và rắn.
Không chỉ thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn lợn chất lượng, nỗ lực của NetEase còn cho thấy mô hình kinh doanh thông minh. Nông trại công nghiệp hóa là ngành kinh doanh thông tin, trong đó Weiyang tuyên bố họ là sự kết hợp giữa "suy nghĩ thời Internet và nông nghiệp hiện đại". Điều này nghĩa là công việc nhà nông được thực hiện với chi tiết và độ chính xác như phát triển phần mềm, bảo đảm kiểm soát mọi yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hoạt động.
Trên khắp thế giới, hàng loạt nhà khoa học, chuyên gia thú y, viện nghiên cứu và quản lý ngành chăn nuôi công nghiệp đang tìm mọi cách tối ưu hóa việc chăn thả lợn. Các công ty như Pig Improvement Corporation tận dụng sức mạnh máy tính và công nghệ sinh học tối tân để phát triển những giống lợn theo yêu cầu. Quy mô tự động hóa ngày càng cao cũng giúp thống nhất các tiêu chuẩn về lợn, giống rau quả và trái cây hiện nay.
Trong một thế giới được tối ưu hóa, người nông dân được coi là nguồn gốc của sự kém hiệu quả. Là con người, họ bị hạn chế thông tin và thời gian, ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Vì vậy, theo logic, họ sẽ bị thay thế bằng các mô hình AI có quyền truy cập vào dữ liệu vô tận và thời gian tính toán tức thì.
Tập đoàn Alibaba đang đề xuất điều đó. Sản phẩm mới của họ, ET Agricultural Brain, ra đời với mục tiêu sử dụng AI để chuyển đổi ngành nông nghiệp và giúp thúc đẩy "phép màu thịt lợn" của Trung Quốc.
Alibaba Cloud đang hợp tác với công ty thực phẩm Tequ Group ở Tứ Xuyên để đưa trí thông minh nhân tạo vào chăn nuôi lợn. Năm 2018, Tequ đặt mục tiêu 10 triệu con lợn mỗi năm vào 2020, nhưng đã bị cản trở do dịch tả lợn châu Phi và gián đoạn lao động do Covid-19.
Jintong, một chuyên gia về đám mây của Alibaba, cho biết chăn nuôi lợn bằng AI là một cơ hội tự nhiên cho công ty. Các trang trại thịt lợn lớn vốn đã có hệ thống camera và cảm biến do con người giám sát. Đối với vài trăm con lợn, có thể có một con người giám sát các hoạt động. Nhưng với hàng trăm nghìn con lợn, bạn bắt đầu từ đâu? Và để Trung Quốc đạt được điều kỳ diệu về thịt lợn, cần đến hàng triệu con lợn được nuôi trong trang trại.
Alibaba Cloud cung cấp cho các trang trại cách sắp xếp dữ liệu bằng AI. Trong các trang trại quy mô lớn, lợn được đóng dấu nhận dạng riêng trên cơ thể, tương tự mã QR. Dữ liệu đó được đưa vào một mô hình do hãng sản xuất, có thể theo dõi lợn trong thời gian thực. Thông qua video, nhiệt độ, cảm biến âm thanh, mô hình phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt hoặc bệnh, hoặc lợn đang đè nhau trong chuồng của chúng.
Một số mô hình học máy nhất định, như mô hình được ET Agricultural Brain sử dụng, yêu cầu một lượng lớn dữ liệu đào tạo để hoạt động. Chỉ sau ba tháng thu thập dữ liệu đào tạo (nơi máy ảnh đặt và ghi dữ liệu mà không cần phân tích), mô hình AI mới thực sự hữu ích và có thể hiệu quả trong chẩn đoán.
Điệp Anh - Châu An (theo Guardian)