Tại cuộc thi "Chứng minh ý tưởng lần thứ 3: Phụ nữ và nền kinh tế xanh" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) vừa tổ chức cuối tháng 6, mô hình nông nghiệp định hướng hữu cơ tuần hoàn – Circular organic agriculture model (COAM) được Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn trao giải "Thách thức - Nhóm các ý tưởng hướng đến giải quyết thách thức Quốc gia". Dự án được trao tài trợ từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Australia và Chính phủ Anh do Ngân hàng Thế giới quản lý thực hiện từ tháng 7/2019.
Mô hình COAM được xây dựng ở xã XuânThủy, Yên Lập, Phú Thọ, cách Hà Nội 120 km. Chị Nguyễn Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Khôi Xanh, Chủ nhiệm dự án vốn là dân học môi trường, tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh nên bài toán môi trường tại trang trại được tính toán tối ưu.
Trang trại có diện tích 1,2 ha, nuôi 1.000 con lợn theo mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín. Toàn bộ chất thải rắn của lợn được xử lý qua men vi sinh, dùng làm thức ăn cho giun quế. Giun trở thành đạm nuôi gà, phân giun dùng làm phân bón hữu cơ cho hoa hồng và cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau xử lý biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước, bao gồm các vật liệu lọc, cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là Nitơ và Phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng để tưới cây và đưa ra đầm sen.
Với cách làm này giúp giảm các chi phí (28% thức ăn chăn nuôi, 40% phân bón hữu cơ, 50% lượng nước tưới tiêu) nhưng lại tăng 150% giá trị sản phẩm.
Ths Thảo chia sẻ, mô hình vận hành được hơn 2 năm, hiện đã có các sản phẩm thịt tươi sản xuất theo công nghệ thịt mát; thực phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn sử dụng gia vị tự nhiên, không dùng phụ gia công nghiệp; các sản phẩm trà hoa hữu cơ... cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên ưu tiên lớn nhất của chị Thảo và cộng sự là xây dựng được cộng đồng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Bởi vì hiện nay, để sản phẩm thịt lợn được cấp chứng chỉ của các tổ chức quốc tế, ngoài tiêu chuẩn về chuồng trại, lợn phải được ăn thức ăn (rau củ, cám có nguồn gốc hữu cơ). Tuy nhiên hiện việc này vô cùng khó vì ngay cả các sản phẩm ngô, đậu tương là nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được trồng an toàn nhưng khó đảm bảo từ giống thuần chủng.
Vì vậy anh Nguyễn Lương Quyết, thành viên dự án cho biết, nhóm dự án sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho những ai có nhu cầu làm theo mô hình này. Do các công nghệ đều đơn giản, dễ thực hiện nên các hộ gia đình cũng có thể áp dụng được.
"Khi có cộng đồng, phát triển được vùng trồng cung cấp nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn hữu cơ thì Việt Nam sẽ có sản phẩm được cấp chứng chỉ quốc tế về chăn nuôi hữu cơ. Nếu phát triển được cộng đồng chăn nuôi bền vững và hướng tới nền nông nghiệp xanh đồng bộ, cùng quay về với thiên nhiên thì môi trường được bảo vệ, góp phần tăng cường cân bằng hệ sinh thái đất", anh Quyết nói.
Đoàn Trung