Hợp tác xã Saveol là nhà sản xuất cà chua lớn nhất của Pháp với sản lượng trung bình 74.000 tấn mỗi năm. Trong vài năm gần đây, tổ chức này đang đẩy mạnh mô hình nông trại không thuốc trừ sâu trước những lo ngại ngày càng tăng về tác động của hóa chất đối với con người và môi trường.
Để làm được điều này, Saveol đã xây dựng một trang trại nhân giống côn trùng thiên địch rộng tới 4.500 m2 bên ngoài xã Brest ở bán đảo Brittany, miền tây nước Pháp. Cơ sở hiện nuôi hai loại côn trùng chính là bọ xít mù Macrolophus và ong bắp cày siêu nhỏ. Chúng là thiên địch của các loài gây hại phổ biến trên cây cà chua như rệp và ruồi trắng.
"Hợp tác xã có kế hoạch mở rộng trang trại thêm 1.200 m2 trong năm nay. Phần mở rộng này sẽ được dùng để tăng cường nhân giống bọ xít mù Macrolophus, loài đang có nhu cầu ngày càng tăng", người đứng đầu Saveol Roselyne Souriau cho biết.
Tại trang trại của Saveol, những côn trùng thiên địch được nuôi trên cây thuốc lá, loài cùng họ với cà chua và cà tím. Chúng ăn trứng của sâu bướm. Khi thu hoạch, công nhân chỉ cần cắt ngọn cây và lắc mạnh để côn trùng rơi vào một cái phễu lớn, sau đó đóng gói chúng trong các hộp nhựa. Hàng tuần, các hộp nhựa chứa côn trùng thiên địch này sẽ được vận chuyển đến 126 cơ sở trồng trọt của Saveol.
Mỗi năm, khoảng 10 triệu con Macrolophus và 130 triệu con ong bắp cày siêu nhỏ được nhân giống tại Saveol. Tổ chức này tuyên bố họ là hợp tác xã duy nhất ở châu Âu có cơ sở nuôi côn trùng thiên địch của riêng mình.
"Từ năm 2020, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng bất kỳ phương pháp xử lý hóa học nào", Francois Pouliquen, người có 8 ha tại trang trại Saveur d'Iroise thuộc mạng lưới hợp tác xã Saveol, nhấn mạnh.
Nhìn chung, việc sử dụng côn trùng ăn thịt để thay thế thuốc trừ sâu của nông dân Pháp đã tăng vọt. Theo Bộ Nông nghiệp, các cơ quan quản lý trong quý đầu tiên của năm nay đã phê duyệt 330 loài côn trùng mới làm phương pháp điều trị sâu bệnh gây hại trên cây trồng, tăng đáng kể so với con số 257 vào năm 2015.
Đoàn Dương (Theo AFP)