Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG) cho biết trong các dự án điện gió, một nhà máy nằm ở độ cao 3.500 - 5.500 m được xếp vào hàng siêu cao. Với công suất lắp đặt 72,6 megawatt (MW), dự án nhà máy điện gió cao nhất Trung Quốc sẽ sản xuất 200 triệu kilowatt giờ (kWh) điện hàng năm sau khi hoàn thành, có thể đáp ứng nhu cầu của 140.000 hộ gia đình, theo CGTN.
Tọa lạc ở chân chân đồi phía bắc dãy Himalaya, nhà máy này là dự án điện gió đầu tiên kết nối với lưới điện ở khu tự trị Tân Cương. Năng lượng gió tỷ lệ với mật độ không khí. Khi mật độ không khí giảm trên cao nguyên, năng lượng có sẵn cũng giảm theo, theo Wang Liang, người phụ trách dự án ở CTG.
Các kỹ sư chọn turbine với công suất hơn 3 MW trên một đơn vị, trong số đó mức công suất lớn nhất là 3,6 MW, giúp tăng sản lượng điện của trang trại điện gió. Turbine 3,6 MW có đường kính rotor là 160 m, dài hơn khoảng 20 m so với turbine sử dụng ở khu vực khác trong khi diện tích quét của cánh quạt tăng gần 30%. Turbine gió có thể thích nghi với độ cao lớn, tia cực tím, sấm sét và nhiệt độ thấp, vì vậy có thể hoạt động ổn định trong thời gian dài giữa môi trường tự nhiên khắc nghiệt.
Do môi trường sinh thái trên cao nguyên tương đối dễ chịu tác động, Wang cho biết họ đã cân nhắc biện pháp bảo vệ môi trường và tìm cách giảm thiểu tác động từ khi bắt đầu thiết kế tới lựa chọn tuyến đường trong lúc thi công, đồng thời tái tạo lớp đất mặt. Các kỹ sư lên kế hoạch lắp 22 turbine nhưng chỉ xây dựng 15 turbine để sử dụng đất đầy đủ. Đường dây truyền tải điện nối mỗi turbine gió với bộ chuyển mạch ở trạm biến áp, được thiết kế vòng qua đồng cỏ để bảo vệ tốt khu chăn nuôi.
An Khang (Theo CGTN)