Trang trại của anh Tuấn là 4 khu nhà một tầng màu xám, lợp tôn kín như bưng, chạy dài cả trăm mét bên một bìa rừng tại vùng giáp ranh giữa bang Maryland và Delaware thuộc miền đông nước Mỹ.
Hàng chục chiếc quạt thông gió khổng lồ đang chạy hết công suất cùng những bể kim loại cao lừng lững như tháp nước. Vừa bước lại gần chiếc quạt hút gió có đường kính gần hai mét thì một mùi hôi đến ngạt thở xộc thẳng vào mũi, khiến ai nấy bật ngửa người. Đó là mùi phân gà.
"Đấy là chưa quen thôi. Quen rồi ngày nào không ngửi lại cứ thấy thiếu cái gì đấy", anh Tuấn bật cười. "Tôi làm nail hơn hai chục năm, từ lúc mới bắt đầu sang Mỹ. Một lần tình cờ gặp một người bạn đang nuôi gà, tôi trao đổi với anh ấy thì thấy ngành này rất an tâm về đầu ra và đầu vào, lại được chính phủ tài trợ. Chính vì thế tôi quyết đi theo ngành gà, đến giờ cũng đã được 5 năm".
Theo VOV, anh Tuấn khởi nghiệp bằng một trại gà mua lại của một người Hàn Quốc cùng vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Chỉ cần 20% vốn tự có cùng hợp đồng nuôi gà cho công ty, anh đã có thể vay ngân hàng toàn bộ phần vốn đầu tư còn lại mà không cần phải thế chấp tài sản.
"Trước tiên, tôi ký hợp đồng nuôi gà cho hãng, mang hợp đồng lên ngân hàng để cho vay tiền. Sau đó, hàng tháng ngân hàng trừ dần các khoản vay từ lương của người nuôi, từ hãng nuôi gà", anh cho biết.
Các công ty chăn nuôi lớn tại Mỹ thường không trực tiếp nuôi mà thuê các hộ gia đình làm việc này. Trừ cơ sở hạ tầng như nhà xưởng và thiết bị kỹ thuật, công ty sẽ cung cấp toàn bộ nguyên liệu đầu vào, từ con giống, thức ăn cho đến thuốc phòng bệnh và bao toàn bộ sản phẩm. Người nuôi chỉ việc chăm sóc và nhận thù lao.
"Mỗi đợt tôi nuôi khoảng 7 tuần. Khi gà đủ trọng lượng thì hãng đến thu mua, trả tiền công nuôi cho tôi theo trọng lượng của con gà", anh cho hay.
Trang trại tự động hóa
Nuôi tới 120.000 con gà nhưng mỗi ngày anh Tuấn chỉ cần làm việc chừng vài tiếng. Toàn bộ quy trình nuôi đều được cài đặt sẵn và xử lý tự động bằng hệ thống máy tính và được tính toán một cách vô cùng khoa học, từ cung cấp thức ăn, nước uống cho đến đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng.
Hàng tuần, các kỹ sư của công ty đến kiểm tra xem người nuôi có tuân thủ đúng quy trình hay không. Công việc duy nhất của anh Tuấn ở trại gà là thu lượm xác gà chết do giẫm đạp nhau và kiểm tra máy móc.
"Mỗi ngày tôi vào đây khoảng 2 tiếng buổi sáng, buổi chiều tôi không phải nhặt gà chết nữa thì chỉ đảo qua để kiểm tra xem thức ăn và nước có đảm bảo không, có hoạt động bình thường không. Nếu không có vấn đề gì thì công việc của tôi trong ngày đã xong", anh nói.
Tùy theo tiến triển của đàn gà, công ty chăn nuôi sẽ chuyển thức ăn đến theo tần suất tăng dần, từ 3 ngày một lần khi gà mới nở lên tối đa 10 tiếng một lần vào thời điểm chuẩn bị xuất chuồng.
Anh Tuấn giải thích rằng sở dĩ trại gà được quây kín vì ánh sáng là một yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của gà. Trang trại có một hệ thống máy tính để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng hàng ngày và hàng giờ phù hợp với tiến độ tăng trưởng của con gà. Khi còn nhỏ thì gà cần ánh sáng 100% để có thể tìm được thức ăn và nước uống vì chưa quen.
"Khi gà đã đủ trưởng thành rồi thì không cần nhiều ánh sáng, chỉ cần đủ để cho chúng nhìn thấy. Nếu sáng quá thì gà sẽ hoạt động chạy nhảy nhiều, dẫn đến hao thịt, gà càng nặng tôi càng được nhiều tiền", anh nói.
Rủi ro thấp
Theo anh Tuấn, nếu nóng quá hoặc lạnh quá thì gà cũng dễ chết nên trang trại luôn có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Gà cũng được uống vaccine thường xuyên theo từng giai đoạn để phòng bệnh.
Trong trường hợp không may xảy ra dịch bệnh do lây nhiễm từ bên ngoài, công ty chăn nuôi sẽ cung cấp thuốc chữa, ngay cả tình huống xấu nhất thì người nuôi cũng không bị thiệt hại.
Nếu gà chết hàng loạt thì anh Tuấn vẫn có tiền bảo hiểm của hãng và do anh mua riêng. Anh cho hay việc phòng chống dịch bệnh ở Mỹ rất đảm bảo. Người ngoài không được vào các trang trại này, ngay cả người chăm sóc ra vào đều phải qua phòng cách ly có chất diệt khuẩn.
Mỗi đợt xuất chuồng, tổng lượng gà thu được trong trang trại của anh Tuấn là gần 350 tấn. Giá gà nguyên con trung bình khoảng 2 USD một kg. Anh Tuấn cũng không phải chờ quá lâu để thu hồi vốn đầu tư với số tiền thù lao nhận được.
Gia đình anh dự tính xây dựng thêm một trang trại nữa với vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD sau khi ký xong hợp đồng với Tyson Foods, công ty chế biến thực phẩm hàng đầu của Mỹ.
Mỹ hiện là nước sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới với sản lượng thịt gà ước tính khoảng 20 triệu tấn mỗi năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, gà Mỹ còn được xuất khẩu trên toàn thế giới với giá cả cạnh tranh, thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với giá gà sản xuất tại nhiều nước.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trên toàn nước Mỹ hiện có khoảng hơn 200.000 trại gà, góp phần đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu thịt gà lớn thứ hai thế giới chỉ sau Brazil, với kim ngạch trên 3 tỷ USD hàng năm.
Xem thêm: 'Đế chế rác thải' hàng trăm triệu đô của ông chủ gốc Việt ở Mỹ
Theo VOV