Lê Thiếu Nhơn -
Mảnh đất Nam Định những năm cuối thế kỷ 20 cũng sản sinh ra được vài nữ sĩ thành danh. Nếu như thơ Đặng Nguyệt Anh ngọt ngào, thơ Bình Nguyên Trang đượm buồn thì thơ Trang Thanh xao xác. Trước đây, khi còn làm biên tập viên cho tạp chí Cẩm Nang Mua Sắm, Trang Thanh có in một tập truyện ngắn nhưng không thành công lắm. Bây giờ Trang Thanh làm biên tập viên cho báo Gia Đình & Trẻ Em và khẳng định bản thân có duyên với thi ca.
Nhà thơ Trang Thanh. Ảnh: Phạm Hoài Thanh. |
Sở dĩ tôi phải nhắc nghề nghiệp ở đây vì chính công việc đặc thù đã khiến những quan sát bộn bề mỗi ngày đeo bám Trang Thanh vỡ òa ra trang giấy. Một người làm báo khi sáng tác thơ thì ưu điểm và khuyết điểm của sự thu nạp thông tin luôn nằm kề bên nhau. Nếu cuộc sống hối hả chảy ngược tiềm thức thì thành tác phẩm văn chương, còn nếu cuộc sống hối hả chảy xuôi quan niệm thì thành ghi chép thời sự. Trang Thanh ít nhiều tình nguyện lặn vào sâu xa lòng mình để thể hiện quyền được khác biệt của cá thể: "Mẹ sinh tôi / hay khóc hay cười / mắt bão êm đềm".
Hành trình "bay lặng im" có chút dằn vặt, có chút mê say, có chút rồ dại. Tranh Thanh tự cứu vớt những hồi ức nông thôn giữa chen lấn đô thị, khi "phố buốt nhớ gót son con gái" phải đành "tôi cuồng si hoá gió / ngã trên phố dấu hỏi / chiều giông lá xoáy mặt người". Mặc cảm chồn chân, mặc cảm thua thiệt của chim sẻ nâu lúc đoái vọng vàng anh, sơn ca ganh đua giọng hót đã giúp Trang Thanh phác thảo tương đối rõ nét "Khúc ru những người đàn bà" vừa cay đắng vừa tốt đẹp, theo cách "những bông quỳnh cúi mặt / rũ nỗi đời vào đêm".
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trang Thanh bộc bạch: "Tôi hiểu rằng càng cố gắng hoà nhập vào cuộc sống ồn ã là tôi càng tự làm khó mình. Bởi vậy, cân bằng được chính mình mà vẫn có được cảm xúc cho thơ là một điều cực khó". Điều này đáng tin cậy, vì trong Bay lặng im có khá nhiều bài thơ được viết như một sự giải tỏa. Cái ám ảnh, cái chông chênh, cái xô lệch cứ nối nhau xuất hiện trên nhiều câu thơ của Trang Thanh. Có những chất chứa được tượng hình bằng chữ, nhưng cũng có những hệ lụy tất tả đi ra khỏi lồng ngực ngắc ngứ âu lo. Bởi lẽ đó, chỉ cần đọc kỹ lưỡng thơ Trang Thanh sẽ dễ dàng nhận thấy, những câu ngăn ngắn vồi vội thì hay mà những câu dông dài đắm đuối thì nhạt. Hơn nữa, lúc tỏ ra cao hứng thi ca thì cô lại viết những câu tưởng chừng rất dõng dạc, rất kỳ bí nhưng lại nằm ngoài cô, hoàn toàn trống vắng bóng dáng cô: "Tôi siêu thực thế giới siêu thực tình yêu siêu thực chết / Tồn tại nỗi cô đơn sóng thần... Đêm đan tóc linh hồn bật mầm mặt trời / Thắp sáng những hoa dại ngủ quên trên đại lộ thế giới / Tôi leo lên đỉnh dốc bắt nhịp bài ca bản năng". Thú thực, đọc những câu thơ này tôi có cảm giác tức cười, vì Trang Thanh không còn là một người phụ nữ "đêm mắt vàng lên file trắng" nữa, mà giống như một gã đàn ông múa gậy chợ phiên để rao bán thuốc chữa trị trật gân hay trẹo xương. Và nếu những câu thơ này có mật độ dày hơn thì tên gọi tập thơ Bay lặng im cần đổi thành "bay ầm ĩ" hay "bay réo rắt".
Ngoài việc lấy bút danh đặt tên cho một bài thơ, nhiều bài thơ khác của Trang Thanh cũng chưa chú trọng gợi mở độc giả tiếp cận tác phẩm. Những bài thơ được đặt tên nôm na như Chân dung, Định mệnh, Yêu, Tự khúc, Đối thoại... không phải là nghệ thuật giản dị mà là thói quen sơ sài đang tồn tại ở không ít nhà thơ trẻ.
Không những vậy, với một tác giả có thao thức như Trang Thanh, tôi còn tiếc cho cô không có giây phút lắng lại để tự đọc thơ mình. Chắc chắn không mấy khó khăn để Trang Thanh phát hiện nhiều hình ảnh được liệt kê liên tục mà chưa kịp mang tâm trạng gì. Ví dụ, bài Bão qua làng, hai câu "sao có thể chỉ một đêm đầy gió / úp xuống làng nhung lụa tàn bay" đã trực diện phản ánh đầy đủ xúc cảm, và lẽ ra nên dừng ở đây, thì cô lại kể lể thêm nào túp lều xiêu, nào mái rạ tơi bời, nào ngói rêu hồng, nào tường nứt, cùng các loại chuột, gà, lợn, trâu, kiến, mối... Những chi tiết ngỡ vô cùng sinh động ấy rất cần thiết cho một bài báo tỉ mỉ, còn đem vào một bài thơ thì giống như hành vi viết nhằm trút hết ưu tư muộn phiền. Cái sự lỡ làng trên do dăm ba lần nôn nóng vung chữ ném nghĩa thôi, vì Trang Thanh cũng có bài thơ hoàn chỉnh như Vùng lạ
Em thiếu phụ cuối chiều nắng trút
Giấu mặt trời ngủ trong dấu sương tháng bảy
Điện thoại một chiếc
Ti vi một chiếc
Máy lạnh một chiếc
Vô số mắt lưới tấm màn trắng nhìn vào giấc mơ...
Tôi tin với sự nhạy cảm của "người đàn bà sinh ra từ tình yêu", Trang Thanh hiểu một sự thật giản dị rằng, nếu không có câu cuối cùng thì năm câu còn lại chẳng có lý do nào để có mặt trong bài Vùng lạ. Thơ nằm ở khoảnh khắc run rẩy chứ không nằm ở bạt ngàn dàn trải.
Tập thơ Bay lặng im chia sẻ vui buồn của một Trang Thanh "lúc nào cũng trầm nhược". Sự mâu thuẫn giữa cái nhìn yên ắng chân chất với nhịp điệu gấp gáp phồn hoa, được thơ phơi bày ra, và giải quyết bằng một tiếng thở dài ngơ ngác phía tri âm.