Sáng 9/4 là ngày thứ 10 ông Phú, 48 tuổi cùng 54 hộ dân ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương xoay xở trên 800 lồng bè để cứu đàn cá trắm, chép và diêu hồng. Ước tính 400 tấn cá đã chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, chính quyền xã thống kê.
"Hôm nay cá vẫn chết, nhà tôi đang gom số còn sống vào một vài lồng rồi kéo sang bên kia sông Thái Bình, nơi có vùng nước sâu hơn xem có cứu được không", giọng ông Phú khàn đặc, đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ và lo lắng.
Cá lồng bắt đầu chết từ ngày 29/3. Hiện tượng này từng xảy ra năm 2018 nhưng thiệt hại không đáng kể nên ông Phú không quá bận tâm. Nhưng đợt này cá chết ngày càng nhiều, cao điểm ngày 3-4/4 nổi trắng mặt nước. "Toàn cá to chết, mỗi con 2-6 kg. Lứa này tôi dự định xuất bán vào cuối tháng 5", ông Phú nói.
Sau hộ ông Phú, các hộ khác cũng ghi nhận cá chết ồ ạt. Cả khúc sông Thái Bình náo loạn, mùi hôi thối bốc lên có thể ngửi thấy từ cách xa cả trăm mét. "Bất lực quá, 10 năm nay chưa từng thấy việc thế này", ông Phú mếu máo nói.
Ông Phú còn nợ ngân hàng hơn 10 tỷ đồng vay đầu tư nuôi cá. "Vụ này mất trắng, tiền mua thức ăn cho cá cũng không còn, chắc tôi lại đi vay bạn bè để gây dựng lại. Hy vọng ngân hàng cho cơ chế đóng lãi chậm", ông Phú nói.
Đứng thẫn thờ nhìn những ô lồng cách đây 10 ngày vẫn đầy cá bơi lội, nay trống trơn, anh Nguyễn Văn Kiên, 34 tuổi, ngụ xã Tiền Tiến, nói: "Mất trắng rồi, không khéo tôi mất cả nhà". Anh đã gom tiền, mượn sổ đỏ của 5 người thân thiết để thế chấp ngân hàng vay hàng chục tỷ đồng đầu tư nuôi cá. Tiền quay vòng, một phần chi tiêu hàng ngày, một phần tái đầu tư vào lồng cá.
Nhiều năm qua, tận dụng khúc sông Thái Bình rộng rãi, người dân xã Tiền Tiến thuê mặt nước, đóng lồng, dựng bè nuôi cá. Họ thả cá từ lúc bé bằng ngón tay, sau khoảng 6 tháng đến 2,5 năm cá to 3-6 kg thì thu hoạch. Công việc này cho thu nhập cao, hộ nuôi nhiều mỗi vụ có thể lãi vài tỷ đồng.
Người dân đã báo cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt và gọi người vào thu mua. Bình thường cá bán 50.000-64.000 đồng/kg, nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Cá chết ngoài chôn lấp, một số đơn vị vào mua về làm phân bón với giá 1.000 đồng/kg.
Theo đánh giá ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, cá nuôi lồng bè ở xã Tiền Tiến chết do nước thiếu oxy, không có dịch bệnh. Thời tiết thay đổi thất thường, khoảng 10 ngày trước, biên độ nước lên xuống thấp, dòng chảy không có nên lượng oxy trong nước rất thấp.
Tuy nhiên, các hộ nuôi cho rằng nước sông Thái Bình bị nhiễm độc vì nước thải ô nhiễm từ đâu đó đổ ra nên đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định nguyên nhân cá chết, hướng dẫn người nuôi cách phòng chống.
Sở Nông nghiệp đã hướng dẫn hộ nuôi theo dõi dự báo thời tiết, quan sát nước vùng nuôi và cá. Khi mực nước sông giảm, cần hạ thấp lồng nuôi nhằm giảm tác động của nhiệt độ cao và sát khuẩn phòng bệnh. Người nuôi nên hạn chế đánh bắt, san lồng, vận chuyển, thả giống vào lúc nắng nóng, thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ để nước lưu thông và tăng cường oxy hòa tan trong nước.
Khi cá nổi đầu do thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm, người nuôi cần sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau để tăng hàm lượng oxy hòa tan. Hàng tuần, người nuôi cần dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, tăng cường vi sinh vật có lợi, thúc đẩy quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ và giải phóng khí độc trong lồng bè.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương có 7.400 lồng cá trên sông, tập trung ở TP Hải Dương, Chí Linh và các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà...
Lê Tân