Những người yêu thiên văn ở Mỹ sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng siêu trăng có biệt danh "Trăng Sói" vào đúng tối 1/1/2018, theo Space. Đây là siêu trăng thứ hai trong bộ ba siêu trăng xuất hiện trong hai tháng ở Mỹ. Lần thứ nhất diễn ra hồi đầu tháng 12/2017, còn lần siêu trăng thứ ba sẽ xuất hiện vào ngày 31/1/2018.
Các bộ lạc da đỏ ở Mỹ gọi sự kiện này là "Trăng Sói" bởi thời gian này trong năm là lúc những đàn sói đói mồi tru bên ngoài lều của họ. Trăng Sói năm 2018 cũng trùng với siêu trăng, thời điểm Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất, hay còn gọi là trăng cận điểm (perigee). Mặt Trăng trông sẽ lớn hơn 7% so với trăng tròn bình thường.
Siêu trăng hôm 3/12/2017. Video: YouTube.
Tại thành phố New York, Mỹ, Mặt Trăng sẽ mọc vào 4h34 phút chiều 1/1, chỉ vài phút trước khi Mặt Trời lặn vào lúc 4h39'. Trăng Sói sẽ chiếu sáng cùng với Mặt Trời trong khoảng thời gian ngắn. Để chứng kiến cảnh tượng, bạn phải quan sát từ nơi nhìn ra đường chân trời tương đối phẳng và không bị che khuất. Ở châu Âu và châu Á, sự kiện trăng tròn sẽ diễn ra vào ngày 2/1 do chênh lệch múi giờ.
Ở điểm gần nhất hôm 1/1, Mặt Trăng sẽ cách Trái Đất 356.565 km. Khoảng cách trung bình giữa Mặt Trăng và Trái Đất là 382.900 km dù quỹ đạo của nó không phải hình tròn hoàn hảo. Trăng Sói sẽ nằm trong chòm sao Gemini, gần như thẳng hàng với sao Pollux (Beta Geminorum) và Betelgeuse (Alpha Orionis).
Theo các chuyên gia, siêu trăng hôm 31/1 thậm chí còn ấn tượng hơn. Nó sẽ trùng với nguyệt thực toàn phần và có thể quan sát hoàn toàn từ phía tây Bắc Mỹ dọc theo Thái Bình Dương đến Đông Á. Quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất bị nghiêng nên thiên thể luôn ở phía trên hoặc dưới bóng của Trái Đất. Khoảng hai lần mỗi năm, trăng tròn sẽ nằm thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời, khiến bóng của Trái Đất che khuất toàn bộ ánh sáng Mặt Trời và phản chiếu lên Mặt Trăng.
"Siêu trăng là cơ hội tuyệt vời để mọi người quan sát Mặt Trăng. Nguyệt thực hôm 31/1 sẽ có thể nhìn rõ trong suốt thời gian trăng lặn. Riêng người dân ở phía đông nước Mỹ, nơi chỉ có nguyệt thực bán phần, sẽ phải dậy vào buổi sáng để quan sát", Noah Petro, nhà nghiên cứu ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết.
Mặt Trăng sẽ bị che khuất, chỉ còn vầng sáng mờ do ánh sáng Mặt Trời chiếu qua khí quyển Trái Đất tạo nên. Do vầng sáng thường có sắc đỏ bởi cách khí quyển bẻ cong ánh sáng, nguyệt thực toàn phần đôi khi còn được gọi là "Trăng máu".
Siêu trăng hôm 31/1 cũng là lần trăng tròn thứ hai trong tháng. Một số người gọi lần trăng tròn thứ hai trong một tháng là "Trăng xanh". Trung bình "Trăng xanh" xuất hiện mỗi lần cách nhau 2,5 năm.
Phương Hoa