Thứ sáu, 24/1/2025
Thứ sáu, 10/11/2023, 00:00 (GMT+7)

Trang phục thời phong kiến trong 'Người vợ cuối cùng'

Victor Vũ đặt may hàng trăm cổ phục khắc họa đời sống nhà quan thế kỷ 19 ở miền Bắc trong phim 18+ "Người vợ cuối cùng".

Hậu trường chuẩn bị trang phục trong phim 'Người vợ cuối cùng'
 
 

Hậu trường chuẩn bị trang phục trong phim. Video: November Films

Kaity Nguyễn đóng vai Linh - thiếu nữ nhà nghèo về làm vợ lẽ cho quan tri huyện trong "Người vợ cuối cùng" (Victor Vũ), tác phẩm vừa ra rạp. Diễn viên cho biết một trong những điều cô tâm đắc là được diện loạt trang phục áo dài xưa.

Theo Victor Vũ, trang phục trong phim còn ngụ ý nói lên tính cách, vai vế nhân vật. Nhân vật Linh chủ yếu diện tông màu trầm hoặc nhạt, ít hoa văn, ngụ ý xuất thân thấp kém, bố mẹ làm nông.

Kaity Nguyễn diện áo dài với nón ba tầm trong phân cảnh đi chợ quê. Văn hóa Bắc bộ xưa là nguồn cảm hứng chính trong phim mới của Victor Vũ, với bối cảnh quay ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Đạo diễn đọc nhiều nguồn tài liệu, trong đó có cuốn "Kỹ thuật của người An Nam" (Technique du peuple Annamite), do tác giả Henri Oger thực hiện những năm 1908-1909.

Nhà sản xuất phim Đinh Ngọc Diệp (vợ Victor Vũ) cho biết hàng trăm trang phục được may đo, với hàng nghìn mét vải. Giám đốc mỹ thuật của dự án thường yêu cầu diễn viên mặc đủ ba, bốn lớp cổ phục theo đúng phong cách người xưa, dù có những cảnh chỉ quay thoáng qua.

Nhân vật mợ Cả (Kim Oanh) đeo trang sức chuỗi hạt, vòng vàng, nhẫn ngọc lục bảo, ngụ ý thân phận giàu sang, quyền lực trong gia tộc.

Mợ Hai (Đinh Ngọc Diệp) mặc đồ màu nóng, lạnh xen lẫn, thường vấn tóc cao, thể hiện nét đẹp đài các, tính cách thẳng thắn, vô tư.

Victor Vũ cho biết khi làm phim, anh đề cao việc tái hiện nét đẹp truyền thống trong tạo hình, như tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ.

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, vào thế kỷ 19, mẫu áo dài năm thân được ưa chuộng. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: Cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo thường có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ở miền Bắc, phụ nữ thích may kiểu cài khuy cổ lệch để khoe chuỗi trang sức quấn nhiều vòng.

Nhân vật mợ Cả và mợ Hai ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Linh khi cô làm dâu nhà quan. Nếu mợ Cả chỉ xem Linh là công cụ sinh con trai của quan tri huyện, mợ Hai thấu hiểu nỗi lòng của cô, tìm cách bao bọc, che chở.

Nhân vật quan tri huyện (phải, Quang Thắng đóng) và thầy đề - tay sai của quan (Anh Dũng) - cũng được đầu tư về trang phục để thể hiện địa vị xã hội từng người.

Kaity Nguyễn bên Thuận Nguyễn - vai Nhân, người tình của Linh - và con gái Linh - bé Đông Nhi.

Sau hơn một tuần ra mắt (trong đó có hai ngày chiếu sớm), phim thu về 52 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập.

Trailer chính phim 'Người vợ cuối cùng'
 
 

Trailer phim "Người vợ cuối cùng". Video: Lotte

Mai Nhật
Ảnh: Trí Nghĩa Nemotion