Giọng thầy Phương vẫn từ tốn như thường lệ, nhưng đôi bàn tay liên tục gõ xuống bàn chứng tỏ tâm trạng thầy đang bức xúc. Cô Hạnh chỉ lặng lẽ nhìn: người đàn ông này đã là người cô thương yêu, tôn thờ cho đến nửa đời người. Trước đây, mỗi cái nhìn của ông là mệnh lệnh đối với cô, vậy mà nay cô phải trái ý ông. Ý nghĩ đó làm cô rơm rớm nước mắt.
Hơn mười mấy năm, họ đã sống chung nơi căn hộ bé nhỏ này. Mỗi sáng, người trong xóm đều thấy cô Hạnh xách tô ra đầu ngõ mua bún cho chồng. Những hôm mưa lâm thâm, cái dáng gầy của cô co ro, tay cô cầm chiếc nón cố che cho kín tô bún, chứ chẳng nhớ che đầu. Thầy Phương người nho nhã, mảnh mai, trắng trẻo. Vốn là con nhà dõng dõi, lại được cưng từ nhỏ nên thầy kén ăn, phải chăm từng li từng tí.
Nói là kén ăn, không phải là thầy đòi hỏi cao lương mỹ vị, mà chỉ cần những thứ đơn giản thôi, nhưng phải biết ý mới chiều được. Bữa ăn không cần thịt cá, đôi khi chỉ cần đĩa bông bí chấm nước tôm kho đánh, nhưng nước tôm phải thật sánh, thật thơm, đỏ rực. Thịt bò thì nhất định phải nấu canh với hoa thiên lý, tô canh dìu dịu mùi hương ngọt ngào. Đêm khuya ngồi đọc sách, chỉ cần ăn củ khoai bồi dưỡng, nhưng khoai phải ngọt, dẻo, hấp với lá dứa. Chiều thì vài lóng mía tiện thật sạch sẽ, ửng màu đỏ cầm rượu.
Căn nhà nhỏ không có đồ đạc gì xa hoa, nhưng sạch như lau như li. Tính thầy Phương rất sợ bẩn. Trong bếp, phòng tắm, những cái chậu đủ màu được cô Hạnh đặt đúng vị trí của chúng, tất cả đều khô ráo, sạch sẽ. Cái chậu rửa mặt ấy còn tinh tươm quá, này coi chứ chứ... chậm con là vì quá sạch đấy" - các bà hàng xóm đùa. Trong khu tập thể này, các bà đều là cán bộ, việc cơ quan, việc nhà cứ ùn lên, ai cũng bết bát, chẳng có thời giờ nào mà chiều chồng. Các ông chồng trong xóm nào là chẻ củi, đi chợ, đón con, chẳng từ một việc gì, chỉ riêng thầy Phương được hưởng ngoại lệ. Thực ra, đâu có phải vì thế mà hơn mười năm không có con. Cô Hạnh thừa biết điều đó nên nghe người ta đùa, cô chỉ cười...
Ở đầu ngõ, ngay cổng vào khu tập thể là nhà bà Thu, thư ký Công đoàn trường Thuận Đạt. Ngày ấy, bà Thu hội ý xong với Ban chấp hành Công đoàn trường và quyết định đến thăm chính thức cô Hạnh. Vì lý do tế nhị của cuộc thăm viếng, bà đã cẩn thận chờ cho đến lúc thầy Phương đạp xe ra khỏi, bà mới vào. Bà tìm cách nói với cô Hạnh: "Cô Hạnh này, người ta đồn anh Phương có vợ nhỏ, Công đoàn và Đảng uỷ đã tiến hành kiểm tra, thật đáng tiếc, việc này hoàn toàn chính xác". Cô Hạnh nghe, ngồi nhìn thẳng vào mắt bà Thu, không tỏ vẻ ngạc nhiên. Trái lại, bà Thu kinh ngạc đến hụt hẫng trước vẻ bình thản của người vợ bất hạnh: bà cứ tưởng cô Hạnh sẽ ngất đi, hoặc ít ra cũng níu lấy bà mà hỏi vặn đủ điều. Nhưng không, cô cứ lặng lẽ, dịu dàng, dường như cố nén nỗi khó chịu vì bị quấy rầy!
Chờ mãi không nghe nói gì, bà Thu phát cáu: Chuyện đến thế, chị tính sao? Chị phải có thái độ đi chứ? Hay chị là Phật đất? Cô Hạnh thở dài: Hoàn cảnh em không có con, dù anh ấy có thế, em cũng chẳng oán trách. - Nói thế nghĩa là chị biết anh ấy phản bội chị mà cố tình giấu giếm tổ chức? Anh ấy không phản bội tôi - cô Hạnh ngẩng phắt lên. Vâng, dù rằng ông Phương đã có một người đàn bà khác, có một đứa con không do cô sinh ra, ông vẫn là vị Thánh sống đối với cô. Cô không cho phép ai nặng lời khi nói về ông ấy. Bởi tất cả những chuyện này là do cô: cô đã tự tay sắp đặt, chỉ vì không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt ông.
"Không phải dễ dàng mà thuyết phục được anh ấy - Bởi vì anh ấy quá thương tôi. Hơn nữa, là người có chức trách, anh không dám. Tôi phải năn nỉ, ép uổng, hứa giữ bí mật cho anh ấy..." Bà Thu cau mày: "Sao chị lại làm thế? Chị có biết như vậy là phong kiến cổ hủ không? Chính chị đã đẩy anh ấy vào con đường hủ hoá!"
Cô Hạnh khóc. "Vâng. Có thể là như vậy, nhưng lúc ấy tôi không nghĩ gì hết. Tôi chỉ muốn anh ấy sung sướng". Vâng, khi người ta thực lòng thương yêu nhau, có điều gì mà không thể hy sinh. Một cô gái quê bỗng chốc được cô Hạnh chăm lo từng li từng tí: từng chục trứng gà, từng chai mật ong được chuyển về làng để tẩm bổ cái thai mới thành hình. Rồi đến ngày cô được đền bù: Đứa con trai ra đời, cô Hạnh bế lấy nó, đỏ hỏn trong lớp tã. Ông Phương quàng vai cô, vỗ về: Con của em đó. Nghe chồng nói, cô ứa nước mắt vì sung sướng...
Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt bà Thu, cô mới thấy chuyện đời không đơn giản. Sắp đến kỳ bầu tín nhiệm hiệu trưởng rồi... Ông Phương bảo: Chức hiệu trưởng là cái gì... Bỏ, bỏ hết. Với tôi, chỉ cần mình vui lòng. Tôi chấp nhận mất tất cả.
Ông nói thế, nhưng rồi không giấu được vẻ buồn. Lại cái vẻ buồn trầm lặng làm xót lòng cô. Cả đời ông sống nghiêm nghị, không để ai nói tiếng nặng tiếng nhẹ bao giờ. Giờ đây, tưởng tượng tới khuôn mặt những người lâu nay vẫn đố kị với ông... Họ sẽ hả hê biết bao trước cái tội lỗi rành rành của vị Thủ tướng đáng kính. Họ sẽ rung đùi, cười khẩy chờ ông đứng lên nhận tội... Để rồi khoái trá xúm lại tổ khổ ông, như bầy sói túm lại xé con mồi...
Quả thật, cái tin "ông Phương hai vợ" vừa được tung ra, đã có vài ba người rắp ranh ngắm nghé cái ghế ông đang ngồi. Cuộc bầu tín nhiệm được tổ chức vào đầu tháng 3, được dự kiến như là ngày chôn vùi luôn sự nghiệp của ông hiệu trưởng nổi tiếng quản lý giỏi, đã đưa trường Thuận Đạt thành một trường tiên tiến dẫn đầu tỉnh trong hơn năm năm. Người ta chờ ông Phương đứng dậy rút lui và tự kiểm điểm, nhưng sao lâu quá chẳng thấy động tĩnh gì... Sốt ruột quá, một vị đứng dậy cắt ngang lời ông Phương khi ông còn đang trình bày "chương trình hoạt động" mà ông dự kiến sẽ thực hành trong thời gian tới.