Niềm vui thích, thú vị dọc đường chạy hay những người bạn mới quen khi tham gia giải marathon quốc tế giúp tôi khám phá nhiều khía cạnh tốt đẹp của việc chạy bộ: tăng sức bền cũng là lúc giảm cáu kỉnh, thiền hóa ra lại là trạng thái vận động không dừng; chạy bộ có vẻ dễ dàng và là môn thể thao không cần tốn nhiều tiền đầu tư.
Mỗi ngày chạy bộ của hai năm qua giúp tôi có lối sống lành mạnh, tận hưởng từng giây phút trên đường chạy và "nghiện" những sự kiện thể thao với tiêu chí lan tỏa lối sống tích cực của Manulife Việt Nam. Vậy mà trước đây tôi không nhận ra. Những phát hiện chân thực về chạy bộ dưới đây có thể khiến bạn ngạc nhiên:
Chạy marathon chỉ dành cho những người trẻ, khỏe, có sức bền và năng khiếu thể thao? Chính xác là vậy.
Việc chạy marathon liên tục nhiều giờ, từ bốn đến bảy tiếng liên tục, thậm chí phải thi đấu dưới thời tiết khắc nghiệt sẽ không dành cho số đông. Tôi từng chạy nhiều giờ dưới nắng gắt ở giải Manulife Đà Nẵng Marathon (DNIM 2017) với nhiệt độ nền đường nhựa giữa trưa trên 50 độ C. Hay chạy trong mưa lạnh hai độ C tại Boston Marathon 2018 khi gió thổi mạnh, ngược chiều lên tới 43km trên giờ. Sau khi chạy về đích, thân nhiệt của tôi chỉ còn hơn 33 độ, hạ tới ngưỡng sinh tồn của con người.
Chỉ người trẻ, khỏe, sức bền đặc biệt, có năng khiếu thể thao mới có thể chạy marathon. Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy trên đường chạy có những cụ già 80 chạy bộ, những người béo hay gầy nhom như thiếu sức sống đang nhẫn nại “bào đường”, hay những người cau có, lầm lì, cô độc chạy, hụt hơi về đích. Thậm chí, tôi còn gặp nhiều người khiếm thị chạy marathon bên cạnh tình nguyện viên trợ giúp, những người "cò hương" hoặc nữ nhi "ẻo lả" đã chinh phục đường chạy marathon vượt núi hoặc sa mạc. Với những trường hợp ấy, bạn hãy hiểu là: họ chỉ đang ngụy trang mà thôi. Thực ra ở bên trong, họ đều là vận động viên trẻ, khỏe, đầy sức sống và năng lượng tích cực. Năng khiếu thể thao đặc biệt của họ cũng tới từ những cuộc luyện tập bền bỉ nhiều năm. Vì vậy, đừng bao giờ bị đánh lừa vì lớp vỏ ngụy trang của những người chạy marathon.
Chạy marathon phong trào chỉ dành cho những người thừa thời gian, tẻ nhạt và không có nhiều thú tiêu khiển? Hiểu một cách nào đó thì câu này có độ chính xác không cần phải bàn cãi.
Bạn nhấc chân trái lên, vung tay phải ra trước, rồi sau đó lại nhấc chân phải lên, cùng với tay trái cử động. Rồi cứ lặp lại như thế khoảng 50.000 lần trong một buổi sáng. Thật tẻ nhạt phải không? Tôi đã lặp đi lặp lại năm vạn lần bước chân như thế mới hoàn tất giải chạy bộ hồi năm ngoái. Trong khi những vận động viên hàng đầu có sải chân dài chỉ cần chưa tới bốn vạn bước chạy.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, sau mỗi cuộc chạy bào mòn sức lực ấy, trong cơn đau ê ẩm của cơ bắp, khi phải bám tay vào cầu thang để leo từng bước trong cơn đau nhức của đầu gối phải, thì chất men say chiến thắng giống cơn khoái cảm tinh thần say mê chiếm toàn bộ đầu óc và sự rã rời của cơ thể tôi.
Nếu bạn không biết gì về hormone Endorphin sản sinh trong não bộ những người chạy marathon thì hãy Google tìm kiếm thông tin ngay. Đó là thứ hormone lạc quan, vui vẻ, kích thích sáng tạo, giảm sang chấn tâm lý và giảm đau. Nó còn khơi dậy trực giác mẫn cảm và sự linh hoạt của mỗi người, tạo cảm giác sống hết mình, là người có ích, sẵn sàng tham gia những hoạt động tích cực mang lại trạng thái hạnh phúc.
Nói ngắn gọn, sau mỗi lần chạy bộ, người chạy được nhận món quà tuyệt vời là tâm trạng sống vui vẻ lạc quan, hạnh phúc. Đó cũng là lý do Manulife cổ vũ lối sống tích cực và khỏe mạnh thông qua việc tài trợ chuỗi sự kiện chạy bộ như DNIM, Angko Watt...
Chạy bộ gây nghiện? Đúng vậy. Cơ chế chạy bộ giống hệt lập trình của một trò chơi điện tử. Ở trong game đó, mỗi level đều có thử thách khác biệt nhưng luôn tuân theo quy luật từ dễ đến khó. Tuy nhiên, cơ chế gây nghiện của game chính là việc nó liên tục xuất hiện thử thách, đồng thời thường xuyên cho người chơi các phần thưởng nho nhỏ. Thường trong vài chục giây hoặc vài phút lại xuất hiện một phần thưởng khiến người chơi yêu thích. Chạy bộ cũng vậy. Phần thưởng của bạn là những giọt mồ hôi đã đổ, mỗi km vượt qua dưới chân, những ánh mắt hiếu kỳ của người bên đường cũng là thử thách, sự mệt mỏi nản chí là một thử thách nội tại.
Tôi sợ nhất quãng đường chạy qua cầu Thuận Phước lần thứ hai rồi đổ dốc về đích, những km từ 30-37 mới thực sự là thử thách khó khăn nhất trong mỗi cuộc thi 42km. Nhưng rồi khi về đích, dù bạn lết trên đôi chân phồng rộp hay chạy nước rút, bạn đều biết rõ những gì tôi vừa nói: chúng ta đã nghiện cảm giác chạy bộ về đích ở những phút cuối cùng. Trải nghiệm tâm trạng can trường, thể lực tồi tệ và sự hoang mang trong đầu óc... là cơ hội tốt để ta nhận ra những gì ta có.
Trang Hạ