Chiến thuật 3-4-3 của Việt Nam không khuyến khích hậu vệ dâng cao và chủ động đánh chặn. Họ tập trung vào sự quyết liệt. Nếu có bóng, hai cầu thủ bám biên sẽ dâng cao như những tiền đạo cánh. Khi ấy, quân số trên hàng công Việt Nam có thể lên tới năm người.
Ba người đá trung vệ của Việt Nam đều là những người giỏi nhất ở vị trí ấy. Những năm trước, Việt Nam không sử dụng hệ thống ba trung vệ. Các cầu thủ cần nhiều thời gian để thích ứng với việc thay đổi vị trí, không gian hoạt động cũng như nhiệm vụ của từng người trên sân. Trận thắng Australia ở vòng chung kết U23 châu Á 2018 có lẽ đã tiếp thêm niềm tin cho họ vào chiến thuật mới.
Thay vì tập trung vào việc đánh chặn và thu hồi bóng, Việt Nam cố gắng cải thiện khả năng kiểm soát bóng, cũng như giảm những sai sót khi luân chuyển bóng. Rõ ràng, nếu một đội giữ được bóng trong chân, họ có thể chuyền những đường ban ngắn lên phía trước và cải thiện độ chính xác của những đường chuyền. Nếu đối thủ đá rát hoặc pressing tầm cao, khoảng trống sau lưng họ sẽ mở ra, và đó sẽ là nơi hiệu quả để tung ra những đường chuyền vượt tuyến. Ngay cả ở những đường chuyền dài, Việt Nam cũng cố gắng kiểm soát một cách tốt nhất. Họ chỉ chuyền khi có cơ hội và cầu thủ di chuyển phía trên đã sẵn sàng nhận bóng.
Hai tiền vệ trung tâm của Việt Nam rất chú trọng phòng ngự. Trong sơ đồ 3-4-3, đó là nơi trọng yếu bởi đối thủ sẽ thường xuyên tận dụng vị trí này để phát triển bóng. Họ vừa phải tranh chấp bóng, vừa phải dâng lên tham gia tấn công. Đó chắc chắn là khu vực khốc liệt nhất trên sân. Khi các cầu thủ phòng ngự ở cánh lên tấn công, hai tiền vệ trung tâm sẽ phải trám vào khoảng trống của họ và ngăn những khoảng trống ở giữa sân xuất hiện. Với lợi thế về sự nhanh nhẹn, xoay sở tốt trong phạm vi hẹp, cầu thủ Việt Nam hầu hết sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, với năm người tấn công khi đội hình dâng lên, Việt Nam đủ quân số để thực hiện các đường chuyền ngắn bên phần sân đối phương.
Hai cầu thủ đá biên rất quan trọng với Việt Nam. Khi tấn công, họ sẽ dâng cao giúp hàng công có năm người. Ngược lại, khi phòng ngự, họ cũng là những người lùi xuống đầu tiên tạo thành tuyến phòng thủ năm người. Trong mọi trạng thái, kể cả khi chuyển giữa tấn công với phòng ngự, hoặc ngược lại, Việt Nam đều cố gắng có quân số nhiều nhất ở những điểm nóng. Hai cầu thủ này không phải những hậu vệ hay tiền vệ cánh truyền thống, bởi họ sẽ có những nhiệm vụ khác nhau, tuỳ thuộc vào chuyện Việt Nam có đang giữ bóng hay không.
Cả hai tiền vệ trung tâm của Việt Nam đều có nhiệm vụ ngăn cản những đợt vây hãm của đối phương ở trung lộ. Đây là một công việc nặng nề, nhưng trong tình huống thực tế, họ đơn giản chỉ cần lựa chọn hoặc chặn đường bóng hoặc chặn cầu thủ bên kia, bàn thua sẽ không bao giờ đến. Việt Nam luôn muốn kết thúc việc giải nguy một cách an toàn, nghĩa là phá bóng thật xa khung thành, hoặc đoạt lại bóng. Tuy nhiên, chỉ cần đưa các tình huống về thế 50-50, nghĩa là cho đối thủ giữ bóng nhưng không thể dứt điểm, họ đã thành công bởi chừng ấy là đủ thời gian cho các cầu thủ hậu vệ biên lui về.
Chiến thuật của Việt Nam có nét giống với Hàn Quốc ở World Cup 2002. Họ luôn đòi hỏi các cầu thủ chạy rất nhiều. Để hạn chế việc tiêu tốn thể lực, HLV Park Hang-seo đã luân chuyển nhiệm vụ giữa tuyến phòng ngự và hàng tiền vệ. Hai tiền vệ trung tâm có thể lùi sâu, đá ngang các trung vệ, trong khi hai cầu thủ đá biên nhô cao hơn giữ nhiệm vụ kiến thiết. Hai tiền vệ trung tâm cũng không bắt buộc phải đoạt lại bóng, mà nhường công việc ấy cho ba trung vệ. Họ có xu hướng chờ ở phía trên và sẵn sàng cho một đợt phản công.
Thắng Nguyễn (theo fmkorea)