Chiều muộn 2/11, nước lũ đổ về đỏ quạch sông Đế Võng. Trời vừa nhá nhem tối, anh Trần Kim Quý (37 tuổi, phường Cửa Đại) vội gọi nhiều người tháo dây neo thuyền ra dưới chân cầu Phước Trạch. "Chắc chắn sẽ nhiều cá lệch", tiếng nhiều người kháo nhau về loài sản vật nổi tiếng.
Dụng cụ đi săn cá chỉ với chiếc đèn pin đội đầu và một chiếc vợt dài. Nhẹ mái chèo ra giữa dòng sông khi nước lũ, anh Quý soi đèn trên mặt nước, hai tay cầm sẵn chiếc vợt rồi nhoài người vớt lấy những con cá lệch nổi trên mặt nước.
Biết lũ về đã có cá lệch, chỉ một lát sau, gần 50 chiếc thuyền cùng kéo đến. Không phải phân chia "địa bàn", mỗi người tự chọn một khu vực để soi đèn bắt cá. Chốc chốc, họ lại rọi đèn lên những con cá lệch to vừa bắt được để khoe với những người xung quanh.
"Lệch chỉ đến khi nước lũ cuốn theo đất đỏ từ đầu nguồn đổ về hạ du, cá bị cay mắt phải nổi lên mặt nước, người dân chúng tôi mới dễ dàng vớt được. Nó chỉ có vào mùa lũ, như lộc trời vậy", anh Quý nói với vẻ phấn khích.
Nghe và nhìn qua tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng nhanh tay, nhanh mắt bắt những con cá vừa nổi lên mặt nước đã mất dấu. "Cá nổi nhưng còn lanh lắm. Dùng vợt phải vớt đón đầu mới bắt được, chứ vớt vào giữa hay phần đuôi là nó chạy mất", anh Lê Quang Hùng (45 tuổi) nói khi đôi mắt không rời khỏi mặt nước sóng sánh.
Không phải đến giờ người dân Hội An mới bắt đầu săn cá lệch mùa lũ. Khoảng 50 năm trước, người trong vùng phát hiện cá lệch nổi lên khi lũ về. Vớt những con cá thân hình trơn láng, thon dài tựa con lươn về, họ tuốt sạch nhớt và chế biến nhiều món, từ thái thành khúc nấu canh chua, cuộn tròn đặt vào nồi kho mặn, đến băm nướng xả ớt, ăn rất ngon.
Anh Quý đi săn lộc trời đã được 10 năm. Có đêm anh bắt được 10 kg cá lệch. Cả nhà ăn không hết, anh đem bán. Nhưng giá cá trước đây chỉ khoảng 40 đến 50 nghìn đồng một kg. Nhiều người mua cá về chế biến món nhậu, đông khách ăn, nên cá lệch bỗng nhiên có giá.
"Bây giờ bán tại Hội An lệch có giá 280.000 đồng/kg. Có đợt lũ lớn mỗi người có thể kiếm vài triệu đồng một đêm", anh Quý nói. Vớt được con cá lệch huyết màu đỏ au, người đàn ông mừng ra mặt: "Loại này ăn bổ lắm, giá bán 450 nghìn đồng mỗi kg, nhưng lâu lâu mới bắt được một vài con nên chắc sẽ để cho vợ con kho ăn".
12h đêm, những ánh đèn vẫn lấp loáng giữa dòng sông. Họ kháo nhau xem người nào bắt được nhiều cá lệch. Đôi mắt dù muốn díu lại, nhưng anh Hùng vẫn chưa chịu chèo thuyền về khi "chiến tích" mới được hơn 3 kg cá. Vài năm trước, anh là người đầu tiên bắt được 15 kg cá lệch chỉ trong một buổi tối.
"Lũ năm nay chưa lớn, nên cá ít. Thường thì có thể bắt lệch từ 1 đến 2 tối, nhưng cũng hên xui theo con nước", anh Hùng nói và cho biết cá lệch ở sông Đế Võng chỉ to bằng ngón tay người lớn, nên để bắt được vài kg mỗi tối không đơn giản. Ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa..., cá lệch có kích cỡ to hơn và giá cũng cao hơn nhiều, khi trở thành đặc sản với món gỏi cá, nức tiếng nhất là vùng Nga Sơn.
3h sáng, những người đi săn lệch thưa dần. Anh Quý là một trong số người cuối cùng quyết định chèo thuyền về nghỉ, dù mới được chừng 2 kg cá. "Lộc trời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Chúng tôi không mong lũ lớn để bắt được nhiều cá đâu, vì khi đó nhiều người khổ", anh Quý nói.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao, từ ngày 2 đến 4/11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Tại Quảng Nam, chiều 2/11 nhiều thủy điện xả lũ khiến nhiều vùng hạ du bị ngập. Tại Hội An, nước lũ trên các sông ở mức báo động 2. Tuyến đường đi bộ Bạch Đằng và một số đường khác bị ngập, nơi sâu nhất chừng 50cm. |
Nguyễn Đông