Xong ba tháng huấn luyện tân binh tại Đăk Lăk thì ngày 5/6 Thắng bất ngờ sốt, đau đầu, lơ mơ tri giác. Quân y của đơn vị theo dõi sức khỏe, xác định nhiều khả năng chàng trai 21 tuổi nhiễm não mô cầu. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tử vong nhanh vì gây tổn thương trực tiếp vào não.
Tình trạng của Thắng nhanh chóng diễn tiến xấu, sốt nặng lên, da nổi nhiều mảng da xuất huyết. Những tử ban này là triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu. Các bác sĩ hội chẩn trong đêm, chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 211 tại Gia Lai. Lúc này mạch của Thắng rất nhanh, huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn rất nguy kịch. Bệnh viện thành lập ngay tổ điều trị đặc biệt, tiến hành hồi sức bệnh nhân.
Cục Quân y chỉ đạo Bệnh viện Quân y 175 TP HCM cử các tổ công tác lên hỗ trợ, bằng mọi cách phải cách ly, hồi sức tại chỗ tốt nhất. Bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175 cho biết khi lên tới Gia Lai thăm khám bệnh nhân, tình trạng lâm sàng đã rất nặng. Bệnh nhân có các mảng xuất huyết ngoài da rất nhiều, mạch rất nhanh. Xét nghiệm thấy rối loạn đông máu cực mạnh, sốc nhiễm khuẩn có suy đa cơ quan.
"Trưa 6/6, tiên lượng bệnh nhân tử vong. Các bác sĩ động viên nhau còn cách nào cũng cố gắng cứu bằng được", bác sĩ Ân chia sẻ. Tham vấn thêm từ các bác sĩ hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, kíp điều trị thay thuốc vận mạch, kiểm soát huyết áp. Không có tiểu cầu chiết tách, các bác sĩ huy động máu từ các chiến sĩ đồng đội và người nhà để truyền thẳng huyết tương tươi cho bệnh nhân.
Tối cùng ngày, tình trạng chảy máu giảm, huyết động bệnh nhân ổn định hơn. Kíp điều trị quyết định cho bệnh nhân lọc máu liên tục. Đây là biện pháp tối ưu cho trường hợp sốc nhiễm khuẩn nặng, suy đa tạng. Bệnh viện 211 và các bệnh viện những tỉnh lân cận đều không có máy lọc máu liên tục.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 quyết định vận chuyển máy lọc từ TP HCM lên Gia Lai cứu bệnh nhân ngay trong đêm. Ê kíp gồm một bác sĩ phó khoa lọc máu, một điều dưỡng, một kỹ sư trang thiết bị và một tài xế mang theo máy lọc lên đường lúc 22h.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi vận chuyển máy như vậy nên phải kèm theo một kỹ sư trang thiết bị để bảo quản máy dọc đường, khắc phục kịp thời khi có sự cố", bác sĩ Ân chia sẻ. Chiếc máy lọc được đặt và cố định trên băng ca bệnh nhân để giảm sốc. 6h30 sáng hôm sau, máy đến nơi an toàn và tiến hành lọc cho bệnh nhân.
Chỉ sau 6 giờ lọc máu liên tục, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân Thắng cải thiện rõ rệt. Trải qua 80 giờ lọc, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, rút được ống thở. Vì bệnh nhân rối loạn đông máu nặng trong ngày đầu tiên, có xuất huyết não, phải điều trị lâu dài nên khi ổn hơn đã được chuyển về Bệnh viện Quân y 175.
Được ví như từ cõi chết trở về, ngày 15/8, Thắng khỏe mạnh xuất viện, da dẻ hồng hào, cử động tay chân, ngôn ngữ không bị ảnh hưởng. Bệnh nhân có hai ổ xuất huyết ở vùng thái dương và vùng tiểu não bên trái, có thể ảnh hưởng nhẹ đến tiền đình, nguy cơ thỉnh thoảng chóng mặt sau này.
Não mô cầu rất nguy hiểm, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng thành dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, diễn tiến rất nhanh, có thể cướp đi sinh mạng của người đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Triệu chứng điển hình là sốt cao kèm đau đầu dữ dội, cổ cứng, xuất hiện ban huyết hình sao... Phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tiêm phòng văcxin cho trẻ. |