Học phí tăng, với những gia đình có thu nhập ổn định hoặc cao thì có thể sự băn khoăn sẽ không phải là quá lớn. Nhưng với rất nhiều gia đình nghèo ở nông thôn thì cánh cửa cho con cái vào ĐH đang khép lại dần với họ.
Bằng đại học chỉ là vật chứng nhận khả năng làm việc của một con người
Tôi đã tốt nghiệp ĐH Bách Khoa năm 2008, làm cho một tập đoàn lớn với khoản thu nhập cũng được gọi là tương đối. Để đổi lấy điều này, anh trai tôi phải nghỉ học cao đẳng để đi làm phụ giúp gia đình cho tôi ăn học.
Từ năm học thứ 2 tôi bắt đầu lao vào làm thêm có thêm tiền trang trải và đầu tư cho nhu cầu học tập, trải qua lừa đảo cũng nhiều, các trung tâm việc làm giả mạo đều đầy rẫy (kinh khủng nhất là cảm giác bị lừa lần đầu tiên tại một trung tâm trên phố Minh Khai. Nhưng đấy là khi học phí chỉ có 180.000 đồng một tháng, một nửa con bò sữa cho 5 năm như bạn Tùng nói.
Tôi mang bài báo dự kiến tăng học phí đại học được in đem về quê cho mọi người cùng đọc. Nhiều gia đình còn chưa có tivi hoặc đài báo để nắm được thông tin này, có gia đình có tivi nhưng họ không có thời gian để xem và theo dõi sát sao học phí của mỗi trường. Nhiều gia đình đã bắt đầu phải khóc cho ước mơ của họ.
Trước đây, khi tôi vào ĐH, phần đông các bạn lớp tôi thi vào khối các trường quân sự hoặc sư phạm vì một phần lý do tài chính. Với mức học phí năm 2008, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT quê tôi vừa đi làm công nhân, vừa học tại chức đại học với mong muốn được đào tạo chương trình ĐH ra trường đi làm.
Tôi nhắc lại là họ mong muốn được đào tạo chương trình ĐH chứ không phải đơn giản ấu trĩ là mong có được tấm bằng ĐH về treo tường trang trí.
Người ta cũng mong được đào tạo kỹ năng tốt để làm việc tốt chứ không phải nai lưng ra làm việc để đi mua một tấm giấy có tên là bằng ĐH đóng dấu đem về.
Vậy thì thứ nhất, hãy cùng đồng ý quan điểm: bằng đại học chỉ là vật chứng nhận khả năng làm việc của một con người được đào tạo đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Tăng học phí, cánh cửa đại học của người nghèo bị khép lại?
Trước khi tăng học phí, hầu hết người dân nông thôn đã ngày đêm cố gắng vật lộn với cuộc sống với hy vọng và khao khát rằng con cái họ sẽ có tri thức, thay đổi được cuộc đời bằng tri thức, và không quên tính thêm: chỉ sau 2-3 năm đi làm họ sẽ kiếm được một khoản coi như bù lại số tiền đã đầu tư.
Khi có dự kiến tăng học phí, nhiều gia đình đã gần như không còn dám nghĩ đến việc cho con đi thi đại học nữa. Với mặt bằng thu nhập nông thôn còn thấp, trong khi giá cả tại các thành phố lớn lại quá cao như hiện nay, tăng học phí vô hình chung trở thành một điều kiện đầu vào khắc nghiệt mà nhiều học sinh sẽ bị loại luôn từ vòng đầu.
Chẳng phải như thế là cánh cửa đi vào trường ĐH của họ sẽ bị khép lại hẹp dần hay sao? Ai dám chắc rằng tất cả các sinh viên vẫn có cơ hội (như tôi) theo đủ 5 năm để làm mới và thay đổi cuộc đời?
Tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo?
Trước nhất, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Tùng về việc phải nâng cao chất lượng đào tạo thay vì đào tạo ồ ạt về số lượng mà không hiệu quả. Tất cả những ví dụ mà bạn đưa ra thực tế đều rất xác thực, đáng để ghi nhận. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc: Liệu rằng chỉ tăng học phí không thôi thì có vực được chất lượng đào tạo lên một tầm cao mới?
Khi mà khung chương trình đào tạo của nhiều trường ĐH, CĐ hay TCCN khiến cho sinh viên cứ há mồm ra hỏi nhau: không biết môn này, môn kia giúp ích gì cho chuyên ngành mà cứ học đi học lại, chia nhỏ chia lẻ hết năm này qua năm khác.
Khi mà đằng sau bục giảng vẫn cứ tồn tại những thực tế như: thầy cô không có thời gian hướng dẫn đồ án vì bận... cái gì đó nghe rất có lý... Khi mà nạn chạy điểm vẫn còn...
Lại còn nhiều vấn đề khác nữa ngoài chương trình đào tạo như: định hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động... Tôi sợ rằng khi nói tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục chúng ta lại đang đụng đến một vấn đề khác, rộng lớn hơn nhiều, nhiều điều bàn cãi hơn nữa, đó là: tăng cường chất lượng giáo dục.
Sinh viên đi làm thêm?
Nhiều người nói rằng sinh viên hiện nay quá lười. Tôi nghĩ đó không phải là số đông. Thêm nữa, nhiều người nói sinh viên ngày nay quá ăn chơi đua đòi. Tôi nhận thấy, nổi lên trong số đó không bao gồm phần lớn là sinh viên nghèo từ nông thôn.
Đồng ý rằng sinh viên nên đi làm để có thêm chi tiêu, tích lũy kinh nghiệm nhưng cũng xin hỏi lại rằng môi trường lao động làm thêm có phải luôn an toàn cho sinh viên?
Ngoài ra, nếu vừa học tập trên trường, vừa đi làm thêm để có tiền tiêu (khi mà học phí tăng lên nhằm tăng chất lượng giáo dục) thì liệu các em có thể tập trung vào học hành? Các em có thêm thời gian để đọc tài liệu tham khảo, trau dồi kỹ năng mà mình được đào tạo hay không?
Nhiều khi công việc làm thêm đem lại những kinh nghiệm va vấp nhất định nhưng lại tước đi cơ hội đào sâu học hỏi, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực mà các em được đào tạo. Vì hãy nhìn xem, đến chương trình thực tập tốt nghiệp, thực tập bộ môn của các em, còn hiếm khi được làm những công việc liên quan đến chuyên môn, huống chi là khi các em chỉ là người đi làm thêm ngoài giờ?
Rất may là thời kỳ bọn tôi thực tập tốt nghiệp đã được làm việc cơ cực nhưng thực tế trong các xưởng thí nghiệm, nhà máy và công trình chế tạo, chứ hồi làm thêm toàn là chạy ngoài làm việc chẳng liên quan gì đến chuyên ngành cả.
Những sinh viên tài năng đến mức vừa làm việc tốt, vừa học tốt, và vượt lên xuất sắc không nhiều và không phải tất cả sinh ra đã là thần đồng. Liệu tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục và việc các em phải san sẻ thời gian để đi làm thêm vì chính nỗi lo tăng học phí có bù trừ cho nhau để thực sự tăng được chất lượng giáo dục hay không?
Tôi cứ băn khoăn mãi vì chuyện bạn Tùng ví 5 năm đào tạo với 1/2 con bò sữa. Tôi lại nhớ đến câu nói của bố tôi ngày tôi vào đại học: "Ôi trời! 5 năm chi 9 triệu, căng lắm tao bán hết cả nhà (nhà tôi hồi đó định giá được 14 triệu đồng) ở lại cái bếp là được chứ gì".
Vấn đề là ngoài học phí, cộng các chi phí khác nữa vào để đào tạo nên một con người đòi hỏi mỗi tháng người dân nghèo phải có thu nhập khá cao và ổn định, trong khi 2 chữ cao và ổn định là mơ ước quá xa của họ.
Tóm lại, tôi không dám bàn đến những kế hoạch, chiến lược giáo dục đào tạo... ở tầm vĩ mô gì nữa. Nhưng tôi nhìn thấy rằng học phí đang là một điều kiện đầu vào không dễ dàng. Nó có thể loại từ vòng 1 nhiều thí sinh đang giơ 2 tay với mơ ước với được một cơ hội được học tập để đổi đời.
Và, tôi lại đang nghĩ đến chính sách hỗ trợ học phí, việc sử dụng các quỹ hỗ trợ người nghèo, quỹ khuyến học cho dân nghèo ở nước mình... còn nhiều nan giải lắm...