Trong chương trình Mặt trời bé con tối 18/12 tại TP HCM, ông xuất hiện với hình ảnh quen thuộc, đội chiếc nón beret, tự đệm guitar. Nhạc sĩ hài hước nói chỉ ký hợp đồng với ban tổ chức để đến nghe các ca sĩ thể hiện nhạc của ông. Tuy nhiên, khán giả vẫn còn thích ông "tra tấn" thì ông sẽ hát.
Ông thể hiện năm ca khúc Mặt trời bé con, Không gục ngã, Lẳng lơ, Phiêu bạt, Mưa bay tháp cổ, với chất giọng vẫn khỏe, vừa huýt sáo vừa đánh đàn đầy ngẫu hứng. Ở tiết mục Mưa bay tháp cổ, một khán giả nhí mang bó hoa lên sân khấu tặng nhạc sĩ và nói: "Ông ơi, ông hát hay quá". Trần Tiến hạnh phúc và khen ngợi: "Cháu gái thật đáng yêu".
Không chỉ biểu diễn, Trần Tiến nói về chuyện liên quan đến những nhạc phẩm của ông. Theo nhạc sĩ, Mặt trời bé con được ông sáng tác năm 1982. Khi đang ngồi nhậu cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu ở Hội nhạc sĩ TP HCM, ông nhận được lá thư của một cô bé tám tuổi, bày tỏ ước ao được trực tiếp xem ông hát. Nhạc sĩ thấy thích thú, liền cá cược với đồng nghiệp trong một vòng một tuần xem ai sáng tác ca khúc dành cho tuổi teen nhanh hơn. Ông hoàn thành bài với tên gọi Hát cho cô bé không có vé nghe hát, sau đó đổi lại là Mặt trời bé con. 35 năm sau, nhân duyên khiến ông gặp cô bé viết thư ngày xưa tại London, đại diện một tòa soạn báo phỏng vấn về âm nhạc của ông.
Với Không gục ngã, nhạc sĩ sáng tác bài hát vào năm 2019, khi điều trị ở bệnh viện Ung bướu TP HCM. Khi ấy, ông bị ung thư vòm họng, chuyển sang giai đoạn xạ trị, cơ thể yếu ớt. "Hàng ngày tôi xếp hàng sau một người trẻ hơn tôi bắn tia xạ trị. Lần bắn tia thứ 15, tôi không còn thấy cậu ấy đâu và được biết đã qua đời. Còn tôi chịu đứng đến tia thứ 30 thì gần như không còn sức lực. Lúc đó, tôi viết bài Không gục ngã, động viên mình sống lại", Trần Tiến nói.
Nghệ sĩ xúc động khi chứng kiến thế hệ sau hát nhạc của ông bằng cả tâm hồn. Sau khi nghe Hoàng Quyên thể hiện nhạc phẩm Tóc gió thôi bay, Phố nghèo, Mùa xuân gọi, Anh Tú với Quê nhà, Sao em nỡ vội lấy chồng, Chị tôi, Trần Tiến cho biết ông hạnh phúc. "Khi nghe các cháu hát, tôi thấy mình chết là được rồi. Tất cả biểu diễn như rút hết ruột gan khiến tôi thấy mình vẫn còn sống trong âm nhạc, còn thể xác của tôi thì ra đi lúc nào cũng được. Nhạc của tôi không phải thời thượng, chỉ dành cho người có tâm hồn, thích hát", ông nói.
Nhóm Tam Ca Áo Trắng từ Mỹ về nước làm khách mời trong show của Trần Tiến. Bài Mặt trời bé con do nhóm thể hiện ở album đầu tiên của ông đạt thành công vang dội. Trong đêm nhạc, lần đầu nhóm nhạc hát bài Mẹ tôi. Thành viên Tuyết Ngân nói run khi biểu diễn trực tiếp trước Trần Tiến và mong ông thông cảm khi chất giọng hơi khàn do thay đổi thời tiết. Nhạc sĩ liền nói: "Nhạc của tôi không phải để khoe giọng, các cháu hát xuống dưới quãng giọng 3 cm cũng không sao". Câu đùa của Trần Tiến khiến khán giả hưởng ứng.
Thu Minh - khách mời khác - thể hiện lại nhạc phẩm Cô bé vô tư sau 28 năm. Ca sĩ cho biết sau khi đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình 1993, cô có dịp hát nhạc phẩm này ở một chương trình có nhạc sĩ Trần Tiến. Khi ca sĩ kết thúc tiết mục, nhạc sĩ đùa: "Cháu hát không khác gì trước đây nhưng ngày xưa là cô bé ngây thơ giờ thành 'tinh' rồi". Ông cho biết không nhận ra Thu Minh vì giờ cô đẹp hơn xưa và có kỹ thuật hát điêu luyện.
Trong đêm nhạc, Trần Tiến cũng giới thiệu về nhóm Du Ca gồm ba thành viên An Nhiên, Thành Nghiệp, Hiền Lê do ông thành lập cách đây vài năm. Nhóm biểu diễn vì cộng đồng, hát cho các bệnh viện dã chiến thời dịch. Trước đó, nhạc sĩ cùng Hồng Ngọc, Trần Tài lập nhóm du ca Đồng Nội, đi hát, lấy tiền xây dựng trường nhạc dạy nhạc cho trẻ mồ côi. Nam nhạc sĩ cùng nhóm Du Ca thể hiện ca khúc Tạm biệt chim én, khép lại đêm nhạc đầy cảm xúc.
Nhiều năm nay, nhạc sĩ sống tại Vũng Tàu dưỡng bệnh sau khi chữa ung thư. Trần Tiến sinh năm 1947, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, ông làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học nhạc, ông là ca sĩ đơn ca của đoàn. Năm 1971 đến 1978, ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng. Năm 1992, ông mở trường dạy nhạc miễn phí cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn, trường hoạt động trong bảy năm.
Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước (Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát...), khi cổ động cho tinh thần đổi mới (Rock đồng hồ, Trần trụi 87...) và dân gian đương đại (Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà...). Ông có công hiện đại hóa nhạc dân gian và sáng tác pop, rock, blue jazz và country Việt.
Hoàng Dung