Hằng ngày, anh thường dậy sớm tập thể dục để giữ gìn sức khoẻ. Gần 60 rồi nên cũng phải thuốc thang. Tuy vậy, anh không cho đó là điều khổ sở. Anh vẫn hút thuốc lá, hút nhiều là đằng khác dù biết không tốt cho cơ thể. Anh nói có lẽ đấy là "điều xấu cuối cùng của cuộc đời mình".
Mỗi lần về Hà Nội, anh luôn có cảm giác như đứa trẻ được về với ngôi nhà của mình. Anh thích tiết trời se lạnh, không nóng quá mà cũng đừng lạnh quá. Thích được lang thang một mình trên đường phố mà không có ai nhận ra anh. Thích được ngồi ở một quán vắng ngắm nghía cảnh vật, mọi người qua lại, ngắm những ngôi nhà cổ kính để nhớ về thời thơ ấu.
Anh nhớ nhiều lắm. Tất cả những gì đi qua cuộc đời đều để lại nỗi nhớ trong anh. Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là những ngày thơ bé, nhớ bố mẹ, nhớ ngôi nhà cũ...
"Ngày ấy, tôi thường lang thang quanh Bờ Hồ, tìm những viên bi ve hay những đồng xu mà ai đó vô tình đánh rơi. Thích thú lắm. Những cái rãnh thoát nước với đôi mắt trẻ thơ của tôi giống như một dòng sông dài vậy. Tôi thích nhặt những cục vôi rồi ném xuống 'dòng sông' đó để được thấy làn khói trắng huyền ảo bay lên và nhìn cục vôi tan ra, nở bùng như một ngọn núi phủ mây mờ. Tôi cứ nghĩ rằng đấy là đỉnh núi Phú Sĩ của đất nước Nhật Bản xa xôi", anh hít một hơi thuốc dài và nhìn về xa xăm.
|
Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: M.D. |
Trần Tiến còn nhớ những lần chọc bàng chín, lấy gạch đập đập để ăn cái nhân bé tí teo, thậm chí dính đầy bụi bẩn. Tuổi thơ, hình như ai cũng từng một lần ao ước được thưởng thức cái vị béo ngậy, bùi bùi đặc trưng của nhân bàng. Không phải vì nó độc đáo, hiếm hoi gì mà vì sự hiếu kỳ của lũ trẻ, vì đó là món ăn dường như không thể thiếu trong quãng đời đã trở thành ký ức của mỗi người.
Người nghệ sĩ phong trần nói rằng nhiều khi anh nhớ Hà Nội đến da diết nhưng không thể về thăm nên đành phải "kệ nó". Anh bảo làm gì có tiền đâu mà muốn lúc nào là về được. Anh là người sáng tác nhạc chứ không phải người làm nhạc nên chẳng lúc nào có tiền cả. Cũng may là trời còn cho anh chút giọng hát, thi thoảng người ta mời đi thì kiếm được ít tiền xài.
Anh sáng tác nhiều, thậm chí rất nhiều mà không nhớ nổi có bao nhiêu ca khúc mình đã viết. Ngày nào anh cũng viết, viết chẳng vì cái gì, viết không phải để phổ biến, để nổi tiếng, danh giá mà cũng chẳng phải vì tiền. Anh cứ viết rồi để đó. Có khi quên đi, rồi bất giác lại nhớ ra hình như mình đã viết giai điệu đó, lại lôi ra... Anh nói anh có một cái sọt để đựng những mảnh giấy có ca khúc mà anh viết. Để đấy chứ không phải ném đi. Những giai điệu nào mình còn nhớ ra thì nó "sống", còn quên thì quên luôn.
Anh viết để giải thoát, viết vì anh, cho anh, cho những điều anh đã thấy, đang thấy, những chiêm nghiệm của cuộc đời mà anh đã đi qua. Anh nói không muốn đưa bài hát của mình ra làm gì vì có khi nghe xong người ta cũng chẳng hiểu. Nếu không thông cảm họ còn cười nữa. Vì "người ta" ấy không phải là anh, mà như thế thì làm sao mà hiểu được. Anh lục trong túi áo ra một mảnh giấy gấp tư, kín chữ và đầy vết gạch xóa. Anh đọc ca từ của bài hát mà anh vừa mới viết đêm qua. Lại một bài về mẹ, về nỗi nhớ tuổi thơ trong lòng anh: "Mẹ ơi con đã già rồi, còn ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi, còn ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa...".
Nhiều người ao ước được nổi tiếng nhưng anh thì không. Anh còn căm ghét cái sự nổi tiếng của bản thân mình vì nó cướp mất tự do của anh. Anh nói anh khổ lắm vì chẳng mấy khi được yên ổn ngồi đâu đó mà không bị ai nhận ra "cái mặt mình". Mọi thứ danh vọng, tiếng tăm rồi cũng chỉ là phù du, vô nghĩa trong cuộc đời. Anh thèm làm một người bình thường, để được lang thang trên những con phố, để được bình yên sống cho những cảm xúc của mình. Ông trời trót cho anh tài hoa nên anh khổ, không còn được hoàn toàn sở hữu tự do vốn là của riêng anh. "Ra đường lúc nào tôi cũng đeo một cái mặt nạ - một khuôn mặt cười thân thiện. Tôi mắc cái bệnh viêm răng, viêm miệng vì cười nhiều quá. Có khi đang suy nghĩ, ngẫm ngợi điều gì đó, muốn được yên tĩnh nhưng lại bị lôi ra để nhoẻn miệng cười với những người yêu mến mình. Đó là bi kịch của tôi. Mình biết khán giả yêu mình, nhớ mình nên mới chào hỏi, quan tâm. Nhưng lúc nào cũng cười, cũng nhã nhặn thì thật là khủng khiếp. Người khác lúc vui thì cười, lúc buồn thì khóc nhưng tôi cả khi buồn cũng phải cố cười với mọi người. Những lúc đó, tôi không còn được là tôi nữa".
Với anh, hạnh phúc nhất là những khi được nằm nhà, không làm gì, nhìn ra khung cửa sổ nhỏ và miên man với dòng suy tư. Anh nói anh ghét lên báo chí lắm, anh không thích nói về mình và cũng không thích mọi người biết về mình. Anh muốn giữ cuộc đời cho riêng anh để anh được sống cho chính mình.
"Khi về già, anh có muốn về Hà Nội sống?". Anh cười thật hiền và nói rằng, đến một lúc nào đó, mỗi người sẽ hiểu sống ở đâu không phải là điều quan trọng. Ở chốn nào mà có người yêu thương mình, và mình còn biết yêu thương thì ở đó có bình yên và hạnh phúc.
(Theo Ngoisao.net)