Trong buổi họp báo giới thiệu live concert vào tháng 5, Trần Tiến nói: "Khi mọi người nhắc đến tôi dùng từ phiêu lưu, lãng du cũng đủ, nhưng đúng nhất là phiêu bạt. Nhà tôi từng rất giàu nhưng sau đó lại không còn gì. Tôi phải đi kéo xe, làm đủ nghề để nuôi mẹ, nuôi em. Khi chiến tranh xảy ra, tôi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đi đến đâu, tôi viết nhạc đến đó".
Đó cũng là lý do đêm nhạc sắp tới của ông có tên Nửa thế kỷ phiêu bạt, với ba phần tương ứng từng chặng đường nghệ thuật của Trần Tiến. Phần một - Guitar - là câu chuyện về người lính và phận người trong chiến tranh. Phần hai - Ngẫu hứng - xoay quanh những tác phẩm về tình yêu. Phần cuối - Trắng đen - là sự chiêm nghiệm về cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ.
Ông sẽ giới thiệu một số nhạc phẩm mới bên cạnh những bài từng in dấu trong lòng người mộ điệu. Có những tác phẩm ông viết trong thời gian điều trị ung thư vòm họng ở Vũng Tàu. Dù lâm bệnh, Trần Tiến vẫn luôn sáng tác và ca hát. Nhạc sĩ đùa: "Tôi phải làm việc và viết nhạc mới có thể 'chóng chết' được".
Khoảng 25 bài hát sẽ được trình diễn qua các giọng ca: Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, Trung Quân Idol, Nhóm Du Ca (An Nhiên và Hiền Lê), cùng dàn hợp xướng Saigon Choir. Trần Tiến cho biết nếu có cảm hứng, ông sẽ lên sân khấu biểu diễn và hát với tinh thần của chàng trai trẻ chứ không phải một ông lão 76 tuổi.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu áp lực khi thực hiện đêm nhạc của Trần Tiến. Anh cho biết yêu các sáng tác của nghệ sĩ nên mong muốn tạo ra không gian ấn tượng nhất để khán giả thưởng thức. "Có một điểm chung là em bé, bác sĩ, sinh viên... ai cũng có thể hát nhạc Trần Tiến ở bất cứ đâu. Tôi đang lên ý tưởng làm sao để mọi người cùng hát với nhạc sĩ trong không gian của Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội", Cao Trung Hiếu nói.
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm 1947, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, ông làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông là ca sĩ của đoàn. Năm 1971 đến 1978, ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng. Năm 1992, ông mở trường dạy nhạc miễn phí cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM, trường hoạt động trong bảy năm.
Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước (Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát), khi cổ động cho tinh thần đổi mới (Rock đồng hồ, Trần trụi 87) và dân gian đương đại (Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà).
Hoàng Dung