- 'Quỷ trong trăng', 'Trăng nơi đáy giếng', 'Dòng suối cạn nguồn', 'Thập tự hoa', 'Thương nhớ hoàng lan'... là những cái tên gợi cảm, đầy hình tượng, có cảm giác chị đã rút hết phần hồn của truyện vào nhan đề. Chị muốn nói gì qua tựa truyện?
- Tựa truyện giống như tên của một con người, phải nói lên điều gì đó. Trong quá trình viết, cái tựa tự hình thành. Như Thập tự hoa chẳng hạn, thập tự giá trước khi trở thành biểu tượng mang tính tôn giáo thì nó vốn là một công cụ dùng để xử giảo, để đóng đinh những kẻ có tội. Những người này thường phải tự mình vác trên lưng cây thập tự đến chỗ sẽ bị hành hình, tự chôn xuống. Người ta thường dùng hình ảnh cây thánh giá như là một biểu tượng nói về kiếp người. Kiếp người là nhọc nhằn, vất vả và kết thúc là cái chết. Nhưng thực ra trong cuộc sống con người ta cũng thu nhặt được biết bao điều hạnh phúc. Bởi vậy, theo mình tình yêu rồi hạnh phúc như những bông hoa mọc lên trên thập giá của đời người. Mỗi đời người đều có một cây thập tự phải mang. Cái cứu chuộc sự nhọc nhằn hữu hạn của kiếp người chính là tình yêu.
![]() |
Nhà văn Trần Thùy Mai. |
- Những bước ngoặt nào trong cuộc đời đã làm thay đổi con người văn chương của chị?
- Hồi còn trẻ tôi cũng thích văn chương, thích viết. Nhưng có lẽ sau 40 tuổi thì mới biết viết văn phải trả giá bằng sự từng trải, trả giá cả cuộc đời. Hình như khi người ta bị đổ vỡ lớn thì càng khao khát đến được với nghệ thuật, giống như một sự nương tựa. Và có lẽ trong sự nương tựa đó lại viết được nhiều hơn, nhờ đó mà có thêm nhiều bạn đọc.
- Làm thế nào ở vào tuổi chị mà vẫn giữ được lối viết về tình yêu trong trẻo, say đắm, mãnh liệt như vậy, đặc biệt là những truyện ngắn về tuổi học trò như "Gió thiên đường", "Ngôi đền sống"...?
- Khi con người có sự hài hòa giữa “cho” và “nhận”, giai đoạn có tình yêu là giai đoạn phát sáng nhất, viết có hồn nhất. Vào năm 2000, giữa biết bao đổ vỡ, giằng xé, vui buồn, tôi đã ngồi lỳ ở nhà, không gặp ai, viết một lèo 4 truyện trong một tháng, trong đó có Thương nhớ hoàng lan được nhiều người yêu thích. Tôi nghĩ người viết văn phải có khả năng đồng cảm với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi trong xã hội. Bởi vậy, không hề thấy có khó khăn gì trong việc một người không còn trẻ lại viết về những đối tượng còn rất trẻ.
- Khi truyện của chị được nhiều nhà làm phim, làm sân khấu quan tâm, chị có cảm giác như thế nào?
- Tôi đang rất hồi hộp trông chờ, hy vọng nhiều vào sự thành công của những tác phẩm chuyển thể ấy, bởi truyện của tôi lại được sáng tạo thêm...
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)