Nhà văn Trần Thùy Mai. |
- Kể từ khi xuất hiện đến nay, phong cách sáng tác của Trần Thùy Mai khá ổn định. Chị dự định sẽ làm khác mình hay chuyển sang một phong cách mới như thế nào?
- Thực ra tôi vẫn thường viết theo nhiều kiểu khác nhau. Trong Thị trấn hoa quỳ vàng, Thập tự hoa, Lửa của khoảnh khắc chẳng hạn, câu chuyện được nhìn từ thế giới nội tâm của nhân vật, với rất nhiều khoảng lặng cho độc thoại.
Người bán linh hồn, Lễ cưới bạc là một cách khác, ý tưởng được khai triển trên một chuỗi hành động, sự lạnh lùng của người viết nhằm hướng tới mục đích: cảm xúc của người đọc phải là một cảm xúc tự thân, không phải là do bị ngôn ngữ của người viết dẫn dụ.
Lên phố, Chị Hai ơi là lối trần thuật thông thường, cách kể này lấy sự giản dị làm tôn chỉ, vì sự giản dị là con đường ngắn nhất để gặp được cảm thông.
Chọn cách viết nào là tùy theo nội dung, vì vậy, theo tôi, nếu lúc nào đó người viết phải nghĩ đến chuyện "làm khác mình" như một bước ngoặt lớn, thì trước hết sẽ do sự đòi hỏi của một nội dung khác, mới mẻ đến mức những hình thức đã dùng không thể nào chuyển tải nổi, chứ không phải vì muốn thay một chiếc áo khoác cho "mốt" hơn.
- Tình yêu là một ám ảnh "chết người" trong những truyện ngắn của chị. Chị nghĩ tình yêu chiếm vị trí như thế nào đối với con người?
- Tôi nghĩ rằng các hành động của con người chung quy đều thuộc một trong hai nhóm: thương yêu nhau hoặc đấu đá lẫn nhau. Tôi chọn viết về nhóm thứ nhất.
- Với bản thân chị, tình yêu có ý nghĩa gì trong việc quyết định cầm bút?
- Tôi thường xây dựng nhân vật chính theo hình ảnh những người tôi thương mến. Như vậy tôi cảm thấy dễ viết hơn, giống như người vẽ có được người mẫu vậy.
- Vì sao trong những câu chuyện của mình, chị thường thủ vai một người đàn ông xa lạ?
- Sở dĩ, tôi kể chuyện với một cái "tôi" nam giới, là vì câu chuyện ấy vốn do một đấng mày râu nào đấy kể và tâm sự với tôi. Còn những "tôi" nữ giới thì có thể là tôi hoặc các bạn gái của tôi v.v.
- Điều gì thường trở đi trở lại trong thế giới nội tâm của chị và nó làm cho chị không yên ổn?
- Sự cô độc. Tôi cảm thấy mình không thể đứng vững trong cuộc sống và chẳng làm được gì ra hồn nếu không nhận được sự chia sẻ và thương yêu.
- Chị nghĩ sao về ý kiến cho rằng thứ tình yêu trong chuyện của Trần Thùy Mai không hòa nhập được với thế hệ @?
- Trong một truyện ngắn, truyện Gió Thiên Đường, qua chuyện tình của cô Mi vũ sư và anh chàng Hiếu ngang tàng tôi đã viết về điều này: giữa các thế hệ luôn có sự đối lập, nhưng vẫn luôn có tiếng nói chung.
Tôi không bao giờ thích miêu tả những người trẻ như những người nông cạn, vội vã, thiếu hẳn chiều sâu tâm hồn. Sau sự ngang ngược bất chấp của họ, chính là khát vọng vượt qua những rào cản của định kiến xã hội để đi tới một chân trời mà thế hệ trước chưa đến được.
Mùa hè năm 2003, anh Lê Phúc Linh đã phát triển từ truyện ngắn Chuyện ở phố Hoa Xoan thành phim ngắn Gió không ở lại. Với phim này anh đã tốt nghiệp thủ khoa.
Năm nay, anh Lê Lâm Trọng Nghĩa, tốt nghiệp lớp đạo diễn điện ảnh khóa II Cao đẳng Điện ảnh Sân khấu, cũng đang chuyển thể Người bán linh hồn thành kịch bản cho phim đầu tay của anh. Sự tâm đắc của mọi người làm tôi có thể nghĩ mà không sợ chủ quan rằng, có nhiều bạn trẻ chia sẻ cái nhìn của tôi.
- Những khi buồn, chị làm gì?
- Tôi thu mình một góc và nghe nhạc. Có những bản nhạc gợi cho tôi nhớ những kỷ niệm đẹp trong đời.
- Nếu phải nói một điều gì đó về mình, chị sẽ nói sao?
- Trong nghệ thuật, tôi chỉ có một tôn chỉ: sự chân thành. Không cần thiết phải tỏ ra mình mới hay cũ, thời thượng hay không, linh hồn của những câu chuyện về tình yêu phải là lòng thành, niềm tin ở con người và một cái nhìn khai phóng về cuộc sống.
(Theo Tuổi Trẻ)