Nhà biên kịch Thuỳ Linh. |
- Lý do nào để cái tên Trần Nguyệt Tuệ của chị phóng tác thành Thuỳ Linh?
- Tôi biết làm nghề này sẽ có nhiều người ghét mình, thậm chí chửi bới nữa nên tôi lấy một cái tên khác để những bực tức, chửi rủa trút vào đấy.
Trần Thuỳ Linh hiện là biên kịch của Hãng phim truyền hình Việt Nam. - Giải nhất báo Văn Nghệ Trẻ, Giải truyện ngắn hay nhất năm 2000, Giải nhì báo Văn Nghệ Quân Đội. - Biên kịch các phim: Mùa lá rụng, Những ngọn nến trong đêm, Ranh giới, Cảnh sát hình sự, Đường đời, Đất lành... |
- Tại sao giữa những "chân-thiện-mỹ" của văn học, văn của chị lại để cao chữ "thiện" hơn cả trong khi chị luôn nói xã hội bây giờ quá bức bối với nhiều u nhọt cần giải quyết?
- Tôi nghĩ chữ "thiện" mới là nền tảng để cuộc sống tồn tại. Đã là con người thì dù thú tính đến mấy cũng lấp lánh tính người và tôi muốn nhặt nhạnh những điều giản dị đó. Còn những người tôi ghét hoặc căm thù thì không bao giờ có trong truyện của tôi, bởi khi đã ghét thì không thể viết được. Bởi vậy, những người tôi ghét cứ yên tâm là không bao giờ tôi chửi bới họ trong văn học, khi mà đối với tôi, văn học như một đền thờ thiêng liêng, trút hết những yêu thương, hy vọng, đau đớn, phi lý, nơi con người luôn khao khát đạt tới, nhưng không bao giờ được.
- Văn của chị rất dịu dàng, khác hẳn với con người chị, vì sao vậy?
- Họa sĩ có thể là người xấu, nhưng họ vẫn vẽ được những bức tranh làm nao lòng người. Nhưng nhà văn mà xấu thì không bao giờ viết khá được bởi không có gì thể hiện con người rõ nhất bằng nghề văn. Nhiều người vẫn hỏi tại sao văn học Việt Nam giai đoạn gần đây không có tác phẩm lớn mà không hiểu là chúng ta đang không có những nhân cách lớn.
- Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Thuỳ Linh không yêu nghề vì lười viết trong khi các nhà văn bây giờ viết ầm ầm?
- Tôi cũng không biết chính xác là mình có yêu nghề hay không, còn tôi viết chậm vì hai lý do. Thứ nhất, cuộc đời tôi tương đối bằng phẳng và trơn tru. Tôi lại ít có điều kiện đi nhiều, sự va đập cuộc sống không dữ dội lắm. Thứ hai, những cái để viết ra được, tôi nuôi cảm xúc rất lâu, cảm xúc đó phải được nuôi đến lúc nào đó không chứa được trong người tôi nữa, chứ tôi không thể viết cái mình không có cảm xúc.
- Chị viết ít nhưng lại khá có duyên với các giải thưởng. Chị lý giải điều này như thế nào?
- Các giải thưởng chỉ là niềm vui nho nhỏ, không ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống của tôi. Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi lên nhận giải, đi chiếc xe đạp cũ, cầm trên tay một bông hồng, tôi không về nhà ngay mà đi lang thang. Tôi không thấy vui mà cảm thấy người ta đang trao cho mình một nỗi buồn, đi dọc đường tôi khóc. Sau này tôi vẫn không lý giải tại sao mình lại thế. Tôi cảm thấy tự nhiên mình cưỡi trên lưng hổ bởi trước khi viết văn, tôi không nghĩ mình sẽ đi theo con đường văn chương. Tôi cảm thấy đó là gánh nặng quá sức mọi người trao cho mình. Rất nhiều năm sau khi nhận giải nhất báo Văn Nghệ với truyện ngắn Mặt trời bé con của tôi, tôi đã không viết nữa. Mọi người hỏi thời gian đó tôi làm gì, tôi trả lời là "sống", sống giống mọi người, cũng phá phách, nghịch ngợm, thậm chí còn có một cuộc ly hôn. Nhưng cách đây mấy năm, tôi lại thấy không thể không viết. Lần này tôi viết với một con người khác, một tâm thế khác. Tôi ý thức rất rõ công việc mình làm, khi tôi đã trưởng thành, đã vứt bỏ hẳn con người trẻ con của mình, bởi tôi mới là người lớn được vài năm nay chứ mấy. Nói chung, viết văn, tôi không gánh bất cứ một trách nhiệm nào cả mà chỉ tận dụng khoái cảm.
- Chị nghĩ sao khi nhiều người bảo cách ăn mặc ngỗ ngược, phong cách bạo, hay đi đêm của chị khiến con nhà tử tế khiếp sợ?
- Từ bé đến lớn, tôi luôn hành động theo bản thân và không bao giờ để ý xem ai nghĩ gì về mình. Nhưng tôi may mắn vì mẹ tôi tạo cho tôi một nền nếp: Dừng trước ngưỡng cửa của sự nguy hiểm.
- Có hay không chuyện đàn ông thường coi chị như một "thằng bạn" và khi còn du học ở Nga, bạn bè hay gọi chị là Linh "nhà thổ" bởi nhà chị chuyên là nơi tụ tập toàn đàn ông?
- Đúng đấy, tôi có rất nhiều bạn trai thường xưng hô là ông với tôi. Cái tôi quan tâm là đối nhân xử thế, ông, tôi, mày tao chỉ danh xưng. Thời ở bên Nga, tôi sống ở Matxcơva còn bạn bè lại ở các thành phố khác, họ lên chơi không có chỗ thì tôi chứa. Suốt ngày tôi đi chợ nấu cơm cho mọi người ăn. Đàn ông có thể đến nhà tôi qua đêm, nằm la liệt, thậm chí bọn tôi còn trải đệm, rồi cả lũ nằm xếp hàng như là xếp cá vậy. Tôi sống tận tình, chẳng suy tính gì cả.
- Có bao giờ chị nghĩ đàn ông thường thích chơi với mình hơn là lấy mình làm vợ?
- Cũng có thể, nên những người nào đã lấy tôi, ví như ông chồng tôi hiện nay, tôi cho là người dũng cảm, và ông ấy được trả giá xứng đáng.
- Mối tình cũ của chị vì sao đã có 6 năm yêu nhau nhưng chỉ 2 năm là đã dắt nhau ra tòa?
- Tình yêu của chúng tôi giống như tình bạn vậy, chơi với nhau xong rủ nhau về ở chung nhà, thấy không hợp thì ra đi, không bị ràng buộc nhiều. Anh ấy là người cực kỳ tốt bụng nhưng không hợp với tôi, còn bây giờ tôi sống hạnh phúc với người chồng ít hơn mình 12 tuổi, có lẽ cũng khác người, nhưng tôi đổ cho cái số.
- Sự chênh lệch tuổi tác giữa hai vợ chồng có làm cho cuộc sống của hai người gặp khó khăn?
- Không hề, ông chồng tôi cho tôi tuổi trẻ khi mà tôi đang cảm giác nó qua đi. Còn tôi cho chồng tôi kinh nghiệm cuộc sống mà ông ấy chưa có. Chúng tôi cảm thấy rất thoải mái bên nhau.
- Chồng chị nghĩ sao về tính cách quá bản năng của mình?
- Chúng tôi sống được vì không bao giờ kìm hãm nhau. Không chỉ là quan niệm vợ chồng thông thường, chúng tôi như hai ông bạn, hai anh em, có lúc như hai bạn gái, hai chị em, nhiều khi như hai mẹ con.
- Chị đã có một "người đàn bà" trong văn học, vậy người đàn bà trong cuộc sống của chị như thế nào?
- Ước mơ của tôi bây giờ rất giản dị là muốn về nhà làm nội trợ, không phải ra ngoài làm việc. Thật khó xuyên thủng qua cái vẻ bề ngoài, nhưng bề ngoài chẳng đánh giá được gì cả.
(Theo Đẹp)