Có thể người ca sĩ này không chọn cho mình nơi nào cố định, bởi cô ca sĩ ấy là... một dòng sông. Thu Hà - dòng sông mùa thu.
Dòng sông mùa thu cũng là tên bài hát nhạc sĩ Trần Tiến viết riêng cho Hà. Ngoài những người thân trong gia đình, dường như chẳng có ai nhận ra Hà với những dịu dàng, êm ái của dòng sông ấy. Trên sân khấu, Hà là những sắc màu biến đổi, có khi nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng cũng có khi dữ dội, bão cuồng.
Ai đó gọi Hà là "Tắc kè hoa", nhưng Hà vẫn không thay đổi trong giọng hát: nhẹ, uyển chuyển và len lỏi từng mạch cảm xúc. Vậy là thêm một so sánh khác, Hà là gió. Vì chỉ gió mới có thể đi qua nhiều vùng miền, nhiều vùng cảm xúc. Gió đi qua tất cả các kiểu địa hình (hay nhiều thể loại âm nhạc), để từ đó tạo cho mỗi vùng miền một kiểu khí hậu đặc trưng, một miền xúc cảm. Và cũng vì là gió nên Hà chẳng bao giờ lặp lại chính mình...
Từ ý nghĩ đó, Hà hát bài Gió, một sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo rất hợp cảnh. Mặc dù bài hát không phản ánh được đầy đủ các âm sắc trong giọng hát Hà, nhưng ít ra, nó cho thấy một phần của Hà ở sức căng và sự dữ dội. Và những khi Hà hát bài này, luôn có cảm giác Hà đang hát về mình, như một cách gọi tên khéo. Trong cách Hà hát, những xúc cảm không còn dừng lại ở vui hay buồn. Mà vui và buồn còn được cụ thể hóa thành vui hoan ca, vui rộn rã... và buồn trôi xuôi, buồn vắng lặng, hay buồn vì ngong ngóng đợi chờ...
Có lúc, nhất là trong album Nhật thực, cảm xúc trong giọng hát của Hà phủ định tất cả tiết tấu và bản phối của bài hát. Đến mức, tắt bài hát đi rồi, người nghe vẫn còn căng đầy xúc cảm khi nhẩm lại lời, theo cách Hà vừa "phiêu diêu", trùng tên với ca khúc nhạc sĩ Phú Quang viết riêng cho Hà.
Ca sĩ Trần Thu Hà. Ảnh: hatran. |
Trên báo chí, khi nói về gia đình, Hà chỉ hay nhắc đến bố Hiếu và bố Tiến. Những ký ức hay kỷ niệm về mẹ, Hà thường không kể. Hà giấu cả khoảng thời gian mẹ nằm viện.
Ngày ấy, Hà còn là một nữ sinh phổ thông. Như bao nhiêu cô gái mới lớn khác, Hà sợ bệnh viện, sợ cái cảm giác khi bước vào bệnh viện, cho dẫu là vào để thăm người thân. Nhưng rồi Hà vẫn đến chăm sóc mẹ. Và rất nhanh, Hà... thích ở lại trong ấy. Hà kể, chỉ cách một cái cổng, nhưng vào trong đó, nơi ranh giới giữa sống và chết, giữa còn và mất người yêu thương, dường như mọi người trở nên chân thành và nhẹ nhàng hơn. Hà kể về những con người hôm qua còn nói chuyện với mình nhưng hôm sau đã nằm xuống. Hà kể về một thanh niên là "anh chị" bên ngoài, nhưng vào viện chăm sóc mẹ bỗng trở nên dịu dàng ân cần đến không ngờ...
Hà để lòng nhặt những điều đó. Và rồi, sau khi mẹ mất, Hà vẫn giữ lại thói quen vào "sống" trong bệnh viện. Cứ chiều tan học, Hà lại ghé vào ngồi suốt mấy giờ liền. Phải mất vài tháng sau, Hà mới thôi trở lại nơi này, thôi tìm kiếm những giao tiếp ân cần sau cánh cổng bệnh viện.
Ngày chưa lập gia đình, có lần Hà trả lời trên báo rằng, sẽ lấy một người mà đối với người đó, tất cả những trò khùng điên của Hà đều chỉ như trò trẻ con. Khi quyết định kết hôn, không biết Hà còn nhớ những "tuyên ngôn" này không, cũng có thể Hà đã quên. Vì những người mong manh vốn cũng hay cao hứng "lập ngôn" để cảm thấy mình cứng cáp.
Mà Hà cũng hay gây vấn đề khi trả lời phỏng vấn lắm. Những câu trả lời thẳng tuồn tuột, hết chạm đến người này lại đụng đến người kia. Một người bạn chân thành góp ý, Hà không căng thẳng mà lại... ngơ ngác: "Hà nói thật mà. Có sai gì đâu!".
Hà không khéo, không khéo như cách Hà hát, nếu không muốn nói là vụng. Vì một người khéo ở mức bình thường ai cũng hiểu, đã là người của công chúng thì phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình, tốt hơn hết là "dĩ hòa vi quý", không cần thiết thì chẳng nên bày tỏ chính kiến làm gì... Nhưng với Hà, tất cả đòi hỏi này Hà dường như không thể làm được. Hà vụng cả trong giao tiếp với nhà báo và người hâm mộ. Cứ cái kiểu ngồi rũ lưng và xoạc chân tiếp khách, chuyện ấy có khi cũng khiến nhiều người mới quen lấy làm khó chịu.
Nhưng tiếp xúc với Hà vài lần, sẽ thấy Hà rất dễ gần. Với những người bạn, Hà hay kể chuyện vui. Hà kể và ra bộ rất duyên. Nhiều khi say sưa, đang ngồi quán vỉa hè, Hà cũng đứng lên "diễn cho tròn vai". Hà quên mình đã là "người của công chúng". Nhưng khi ấy, Hà rất hồn nhiên. Tuy vậy, là người của công chúng thì hồn nhiên cũng là một cái vụng.
Trên sân khấu, Hà cũng vụng. Dễ thấy khi Hà vừa hát, vừa... sửa váy áo. Hôm nào không vui, không tự tin ở chỗ nào thì Hà không giấu được. Hát chưa xong một bài hát là khán giả tinh ý đã thấy hết rồi. Còn nếu hôm nào được tặng một bó hoa mình thích, Hà sẽ cầm săm soi và khen ngay. Thậm chí Hà quên mất cả những bó hoa khác, làm người tặng... có khi cũng mủi lòng. Như thế, Hà là một người làm showbiz thiếu chuyên nghiệp. Hà có những dự án và sản phẩm âm nhạc rất chuyên nghiệp, chỉ có chính người làm ra những sản phẩm đó là... không chuyên nghiệp.
Không chuyên nghiệp vì Hà chẳng biết PR, lại còn không ý thức cần phải làm sản phẩm dễ nghe để mong bán đĩa. Bao giờ những album của Hà cũng là làm cho mình, cho những đam mê và xúc cảm của mình. Có lẽ vì vậy mà album của Hà thường có tính đời sống chậm. Thường thì ban đầu khán giả không thích, phải 3 đến 5 năm sau khán giả mới quen và yêu cầu Hà hát trong các buổi biểu diễn. Cũng may, nhờ tâm lý biểu diễn cho riêng mình này mà những khi hát, Hà thường rất say, cứ bám vào bài hát, vào cảm xúc của mình mà "trôi dạt". Đó là điều Hà làm được theo lời người mẹ, giảng viên thanh nhạc, từng dạy: "Hát là hát cho mình. Hãy hát như lời nói, như là hơi thở từ trong chính mình".
Ảnh: hatran. |
Có một bài hát nhạc sĩ Quốc Bảo viết với khúc dạo đầu rất buồn, buồn trong nỗi buồn thân phận. Khi thu âm cho Hà, anh đọc thêm lời dẫn, với ý đề tặng bài hát cho người nữ ca sĩ đã dốc hết sức mình, cho đến lúc tàn hơi. Bài hát mở đầu là: "Em hát cho người lời như lụa mây/ Em hát cho đời lời ru làn môi/ Em hát cho người lênh đênh lênh đênh/ Em hát cho tình say men sóng xanh...".
Hà đã hát đoạn đầu lặng như một tiếng thở sâu. Để rồi đến cao trào của điệp khúc, tiếng hát của Hà chỉ còn là những âm thanh dường như đang cố rướn lên trong những luyến láy í a, í a... Hà đã thể hiện ca khúc này bằng sự mẫn cảm, thông minh vốn có. Khi bài hát được lột tả đúng cảm xúc, thì người nghe cảm thấy ca khúc ấy như dành riêng cho Hà, và lời ca lúc là lời bày tỏ của chính người đang thể hiện. Hà đã hát say, say như mỗi khi hát, Hà vẫn say như thế.
(Theo Thế Giới Văn Hóa)