Ngày 10/8, ban tổ chức Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (Đạp gió phiên bản Việt) công bố dàn cố vấn gồm: nhà báo Trần Hồng Hà - Phó trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam; đạo diễn, nhà sản xuất Trần Thành Trung; giám đốc sáng tạo Denis Đặng.
Dịp này, Trần Thành Trung nói về lý do nhận lời tham gia chương trình, áp lực, cách thức chấm điểm và loạt thông tin khác.
- Cơ duyên đưa anh đến với "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng"?
- Đúng là chữ "duyên". Thời điểm Chi Pu tạo sức hút ở Đạp gió 2023 Trung Quốc, cũng là lúc có tin Việt Nam mua bản quyền thực hiện bản Việt. Khi ấy, ban tổ chức liên hệ tôi nhờ tư vấn gương mặt hợp tiêu chí. Tôi gợi ý một số tên tuổi có thể tạo sắc màu, chất liệu cho chương trình. Trong 30 "chị đẹp" sẽ góp mặt, có 5 người tôi đề cử.
Gần hai tháng sau, họ mời tôi vào ban cố vấn. Tôi bất ngờ, vui vì được ban tổ chức tín nhiệm song cũng áp lực. Suy nghĩ rất lâu tôi mới nhận lời tham gia.
- Anh áp lực điều gì?
- Về bản chất, vai trò cố vấn show này tương đương giám khảo, cũng chấm điểm, chỉ không loại thí sinh, vì vậy sẽ không ít áp lực. Thứ nhất, bản Việt lần đầu diễn ra. Tiếp đó, Đạp gió Trung Quốc mùa bốn gây tiếng vang ở Việt Nam, một phần có sự xuất hiện của Chi Pu. Khán giả kỳ vọng một sân chơi hoành tráng, tò mò danh tính 30 nhân vật trung tâm và theo dõi dàn cố vấn đóng góp gì, hỗ trợ người chơi tỏa sáng ra sao.
- Giữa nhiều gương mặt đình đám, vì sao ban tổ chức mời anh làm cố vấn?
- Tôi nghĩ họ mời vì tôi phù hợp định dạng show. Trong 30 "chị đẹp" sẽ góp mặt, tôi từng làm việc, hợp tác với 26-27 người, phần nào hiểu chặng đường nghệ thuật của họ.
Ở bản gốc Trung Quốc, ban cố vấn phải đảm bảo yếu tố chuyên môn, có thể là nhà sản xuất, đạo diễn, quản lý nghệ sĩ, giám đốc sáng tạo hay công tác ở phòng ban văn hóa nghệ thuật nào đó. Bản Việt sẽ giữ nguyên format, mời người có kinh nghiệm làm cố vấn, thay vì nghệ sĩ đình đám. Đó là lý do họ tìm tôi. Ngoài ra, êkíp cũng nói muốn tìm nhân tố ít xuất hiện, chưa từng ngồi vị trí này để chương trình thêm mới lạ.
- Trên Facebook và các diễn đàn, một số ý kiến cho rằng quá mới lạ thì sức hút, độ lan tỏa không cao. Anh nghĩ sao?
- Dù vui vì được người trong nghề đánh giá tốt sự nghiệp và con đường mình từng đi qua, tôi vẫn lo lắng, không lập tức nhận lời. Tôi tự hỏi đến show này, mình sẽ làm gì, chứng minh bản thân ra sao để khán giả thấy ban tổ chức mời mình là hợp lý.
Trong quá trình cân nhắc lời mời, tôi tiết lộ câu chuyện và băn khoăn của mình với nhiều bạn bè, người thân. Đa số động viên tôi nên làm vì đúng chuyên môn, thời điểm và đúng người.
- Giám khảo các show khác cũng thường bị bàn tán, "mổ xẻ". Anh lường trước tình huống gì?
- Đó cũng là một trong những lý do tôi phân vân. Làm cố vấn không tránh khỏi được lòng người này, mất lòng người kia. Tôi đến chương trình với mục đích truyền năng lượng tích cực, cổ vũ các "chị đẹp" vượt giới hạn bản thân, phá bỏ định kiến, chinh phục nấc thang sự nghiệp mới, chứ không phải phê phán.
Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình để góp thêm chút ý kiến, giúp tiết mục bùng nổ cảm xúc hơn. Từ đó thí sinh sẽ dám thử sức những dòng nhạc khác, vượt khỏi suy nghĩ "mình sẽ không làm được".
- Bên cạnh "Đạp gió Việt", anh còn làm cố vấn "The new mentor". Anh chia thời gian, năng lượng ra sao?
- Vai trò của tôi ở hai show khác nhau. Với The new mentor, tôi thiên về cố cho nhà sản xuất, ban tổ chức để làm sao tạo nên format đủ hấp dẫn, tìm được nhân tố chủ chốt và nổi tiếng. Còn Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, như tôi đã nói, vị trí cố vấn tương tự giám khảo, nhưng cách gọi sẽ nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi không loại ai mà sẽ định hướng cho việc chia đội, đầu tư tiết mục thế nào qua khâu chấm điểm.
Vì vai trò ở hai show khác nhau, mức độ công việc cũng khác, tôi nghĩ mình đảm đương được mới nhận lời chứ không cố ôm đồm rồi làm không tốt.
- Hơn 15 năm làm nghề, anh ít lộ diện trên sóng truyền hình, hiện ngồi ghế nóng nhiều show. Vì sao có sự thay đổi này?
- Tôi không cố tình hay chủ đích chọn những việc này, mà mọi thứ đến rất ngẫu nhiên. Có show lúc đầu tôi nghĩ sẽ không tham gia, nhưng bất ngờ song hành vì đủ duyên.
Tôi không nghĩ bản thân bước ra ánh sáng một cách to tát, chỉ là đến thời điểm cần chia sẻ trải nghiệm của mình với người cần, cổ vũ họ bước về phía trước.
- Hiện cuộc sống và công việc anh biến chuyển ra sao?
- Cũng không có nhiều thay đổi, khác biệt lớn nhất có lẽ là thời gian. Tôi phải sắp xếp, phối hợp công việc riêng với chương trình đã nhận lời sao cho hợp lý, hiệu quả. Mặt khác, tôi muốn hoàn thiện thêm một số kỹ năng. Cụ thể, khi làm cố vấn bất kỳ show nào, tôi phải tìm hiểu xu hướng truyền hình, làm nghệ thuật trên thế giới nhằm đúc kết kinh nghiệm, bài học nếu muốn áp dụng với show thực tế ở Việt Nam.
Trước khi nhận lời "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", tôi đã xem lại 4 mùa bản gốc. Song song đó, khi biết nhân tố sẽ góp mặt, tôi phải rà soát, xem kỹ chặng đường của họ có dấu son nào, ưu khuyết điểm... để có đủ tư liệu, nhận xét phần trình diễn của họ phong phú nhất có thể.
- Chương trình này và show khác tác động gì tới suy nghĩ, quan điểm của anh?
- Trước đây tôi có nhiều điểm yếu, giờ cố gắng cải thiện để những sân chơi mình góp mặt thêm thú vị, phù hợp hơn. Đạp gió bản Việt khiến tôi suy nghĩ cởi mở, liên tục trau dồi, học kiến thức mới, xu hướng toàn cầu, từ đó so sánh, áp dụng ở Việt Nam. Chắc chắn sau chương trình, tôi sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm thực hiện dự án kế tiếp.
- Nhìn lại chặng đường đã đi, anh thấy mình đạt bao nhiêu phần trăm kế hoạch đặt ra?
- Tôi chỉ có mục tiêu lớn là làm tốt công việc hiện tại và hầu hết đã thực hiện được. Tất cả cơ hội hiện giờ đều đến từ quá trình nỗ lực, hoàn thiện bản thân.
Trần Thành Trung sinh năm 1983, từng là phóng viên, 15 năm nay hoạt động mạnh ở lĩnh vực truyền thông giải trí. Hiện anh là quản lý nghệ sĩ, đạo diễn và nhà sản xuất loạt chương trình, sự kiện lớn. Anh cũng sáng lập T Production và Ganga Studios. |
Vạn Phát