Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), hiện tượng trần thạch cao (trần giả) bị nứt trong quá trình sử dụng có nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là do kỹ thuật thi công kém: Để treo được tấm thạch cao cần phải có hệ thống xương gồm hai phần là xương chính (thanh xương cá) và xương phụ (thanh xương u bắt tâm). Thông thường, nhà sản xuất đưa ra các chỉ định cụ thể theo độ dày và độ cứng của xương. Theo đó khoảng cách từ thanh xương cá này đến thanh xương cá kia không lớn hơn 80 cm, khoảng cách từ thanh xương u bắt tâm này đến thanh xương u kia không quá 60 cm. Khoảng cách từ ty ren treo xương cá này đến ty ren kia không lớn hơn 1 m.
Nếu khoảng cách các xương chính thưa, không đúng thông số của nhà sản xuất thì hệ thống khung sẽ yếu, dẫn đến việc trần bị yếu, võng, nứt.
Tại các vị trí nối giữa hai tấm thạch cao không có băng keo chống nứt trước khi bả cũng là nguyên nhân khiến trần thạch cao bị nứt. Dù khoảng cách giữa hai tấm khi tiếp giáp nhau khít thế nào đi nữa nhưng nếu chỉ sử dụng băng keo mối nối, sau một thời gian sẽ xuất hiện hiện tượng nứt theo đúng điểm tiếp xúc giữa hai tấm thạch cao.
Nguyên nhân thứ ba là do các điểm bắt ty ren treo xương cá bắn vào điểm không có định, ví dụ ở những nơi có độ rung lắc cao như xương của mái tôn.
Yếu tố thời tiết nóng lạnh thất thường cũng khiến trần thạch cao bị nứt. Một nguyên khác là do trần chịu sự va động mạnh như mèo nhảy, ngói lợp rơi trúng trần hoặc nhà bạn gần đường tàu, đường cao tốc có xe lớn chạy qua xảy ra hiện tượng rung lắc...
Đây là những lý do chính dẫn đến việc trần thạch cao bị rạn nứt. Nếu chỉ dừng lại ở những vết rạn nứt nhỏ, bạn có thể yên tâm sẽ không có sự cố rơi hay gãy trần thạch cao xuống đất, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Chỉ khi tấm thạch cao có độ biến dạng lớn như rời khỏi hệ thống xương, có độ hở rõ ràng hay nhìn thấy khung xương bên trong thì lúc đó mới đáng ngại.
Để xử lý hiện tượng nứt trần thạch cao, bạn cần cùng thợ kiểm tra kỹ những lý do trên để đưa ra giải pháp xử lý tối ưu và triệt để nhất.
Còn nếu như xuất hiệ ẩm mốc, bạn cần kiểm tra xung quanh hoặc phía trên trần thạch cao có khu vực nào bị thấm dột hay không, ví dụ như ở khu nhà vệ sinh hoặc khe hở giữa hai nhà... Khi tìm ra nguyên nhân để xử lý triệt để, trần thạch cao sẽ không còn hiện tưởng ẩm mốc.
Trang Vy