Trần Ngọc Thịnh là độc giả đã gửi thư tới Cục Xuất bản, đề nghị dừng phát hành phần hai (Đừng chết ở châu Phi) - thuộc bộ sách Xách ba lô lên và đi của tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) - để thẩm tra độ chân thực về nội dung. Sau khi nhận được thư phản hồi của NXB Văn học và giải trình của Huyền Chip, Trần Ngọc Thịnh cho biết, ông vẫn chưa thỏa mãn.
Về chuyện xin visa, Huyền Chip giải thích, chính sách visa mỗi nước khác nhau, không phải nước nào cũng đòi hỏi chứng minh tài chính. Huyền cho biết hầu hết quốc gia cô đến đều là những nước đang phát triển với chính sách visa khá cởi mở. Ông Thịnh đồng ý với Huyền Chip về điểm này.
Trong phần giải trình về con dấu hải quan ở các nước, Huyền cho biết, sau khi từ Brunei về Việt Nam cô đã làm mới hộ chiếu. Vì thế trong cuốn hộ chiếu Huyền đang dùng chỉ có visa các nước kể từ sau thời gian đó. Nữ tác giả cũng chụp ảnh visa qua Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Ai Cập, Israel, bán đảo Sinai, Ethiopia, Kenya, Tanzania, Zambia, Zimbabwe, Mozambique. Tuy nhiên ông Trần Ngọc Thịnh cho rằng, dù với lý do gì, Huyền vẫn chưa đưa ra đủ bằng chứng để chứng minh cô đã qua 25 nước.
Đối với chi tiết "gãy ống đồng", Huyền Chip thừa nhận cô có chút cường điệu hóa: "Gãy ống đồng không phải là gãy lìa luôn cả ống đồng, mà là rạn xương ống đồng". Và với chi tiết viết trong sách - do bị một chiếc xe đi với tốc độ 100 km/h lao vào - cô giải thích: "100 km/h chỉ là cách nói thôi, choáng váng rồi hơi đâu mà tính toán tốc độ". Tác giả cũng thừa nhận sai khi đã trốn vé thăm bảo tàng và vượt biên trái phép: "Tôi thừa nhận tôi có làm những việc đó và việc đó là sai. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những việc làm này".
Ông Thịnh bình luận: "Tác giả không trả lời rõ ràng và đầy đủ các nghi vấn mà tôi nêu ra trong thư kiến nghị". Ông cũng không đồng tình với cách giải quyết sự việc của Huyền Chip: "Tác giả thừa nhận mình sai, nhưng chưa có một lời xin lỗi tới độc giả, rất tiếc sự việc không đơn giản như vậy... Tác giả không hề nhắc tới trách nhiệm của mình và êkíp sau khi thừa nhận sai, chỉ nói là bài học cá nhân cho những vấp ngã đầu đời".
Ông Thịnh khẳng định: "Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình". Trước đó, trong thư kiến nghị, ông đề nghị tịch thu và ngừng xuất bản đối với bộ sách Xách ba lô lên và đi, yêu cầu toàn bộ êkíp thực hiện xin lỗi độc giả đồng thời xử phạt hành chính đối với tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền cùng Quảng Văn Books và Nhà xuất bản Văn học.
Series sách Xách ba lô lên và đi của tác giả Huyền Chip xuất bản tập một năm 2012, được rất nhiều độc giả đón nhận. Tuy nhiên tập hai mang tên Đừng chết ở châu Phi gặp phải sự phản đối của nhiều người đọc, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự khâm phục ngưỡng mộ cô gái trẻ. Đỉnh điểm của những phản ứng đó là bức thư dài 21 trang của độc giả tên là Trần Ngọc Thịnh, được gửi tới Cục Xuất bản, yêu cầu tạm đình chỉ cuốn sách để thẩm định lại tính xác thực của nội dung.
Trong bức thư, độc giả Trần Ngọc Thịnh đưa ra tám nghi vấn xung quanh tính xác thực của cuốn sách, trong đó có: Liệu Huyền Chip có đi đủ 25 nước? Cô chuẩn bị kỹ trước chuyến đi hay chỉ có 700 USD trong túi khi khởi đầu hành trình? Liệu Huyền tự túc trong hành trình của mình hay được tài trợ?... Bên cạnh đó, độc giả này còn chỉ ra những điểm theo anh là phi lý trong nội dung cuốn sách và kết luận Huyền Chip “là một thanh niên có nhân cách, đạo đức và hành vi không tốt đẹp”.
Hiền Đỗ