Tiết mục diễn ra ngẫu hứng trong cuộc gặp giữa Trần Mạnh Tuấn và nhóm nghệ sĩ Du ca tại bệnh viện - nơi anh đang điều trị đột quỵ. Trần Tiến đệm guitar và hát bè trên nền nhạc saxophone. Để tri ân êkíp bác sĩ mổ cấp cứu, giúp anh vượt "cửa tử", đôi nghệ sĩ thể hiện nhạc phẩm Trần Tiến sáng tác. Bài hát viết trong thời gian Trần Tiến bị ốm hồi đầu năm, ca từ cổ vũ tinh thần vượt bạo bệnh: "Đứng dậy, hãy vượt lên chính mình. Vó ngựa còn phi. Đứng dậy, hãy vượt qua số phận. Trái tim còn yêu...".
Ông Trung Trực - người thân gia đình Trần Mạnh Tuấn - cho biết ban đầu, mọi người nghĩ nghệ sĩ chỉ chơi nhạc được vài câu như thường lệ, do sức còn yếu. Được các đồng nghiệp tiếp thêm "lửa", anh song tấu cùng Trần Tiến, sau đó biểu diễn tiết mục Chị tôi (Trần Tiến) dài sáu phút tặng đàn anh, hát Hãy yêu nhau đi (Trịnh Công Sơn) cùng nhóm Du ca. Ông Trực nói: "Nghị lực của Trần Mạnh Tuấn rất lớn".
Ba ngày trước, nhạc sĩ Trần Tiến cùng vợ từ Vũng Tàu lên TP HCM thăm đồng nghiệp. Ông đặt một phòng nghỉ dành cho người thân tại bệnh viện, gần phòng Trần Mạnh Tuấn đang điều trị, để cả hai tiện hàn huyên suốt mấy ngày qua.
Trần Tiến - Trần Mạnh Tuấn có tình đồng nghiệp thân thiết, từng biểu diễn chung trong nhiều đêm nhạc. Năm 2003, khi thực hiện CD Về quê, Trần Mạnh Tuấn giới thiệu bản hòa tấu Chị tôi trong album. CD tạo tiếng vang lớn với hàng trăm nghìn đĩa được bán ra, bản thu Chị tôi trở thành hit lớn của Trần Mạnh Tuấn, được anh lưu diễn khắp nơi.
Chị Kiều Đàm Linh - vợ Trần Mạnh Tuấn - cho biết anh đang từng bước khỏe lại, hiện bắt đầu tập vật lý trị liệu. Sáng 29/9, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, anh ngẫu hứng thổi saxophone 30 giây giai điệu bài Diễm xưa (Trịnh Công Sơn) tặng ông. Mỗi lần tiếp khách, anh ứa nước mắt vì xúc động trước tình cảm mọi người. Các bác sĩ nói suốt 60 ngày điều trị đột quỵ, sự phục hồi của Trần Mạnh Tuấn là một "phép màu" bởi anh có bệnh nền, từng trải qua nhiều lần phẫu thuật vì bệnh thận.
Trần Mạnh Tuấn sinh năm 1970 trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha mẹ và chị gái là nghệ sĩ cải lương. Anh là nhạc công chơi saxophone duy nhất được đề cử năm lần tại giải Cống hiến. Anh còn hợp tác nhiều nghệ sĩ như gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Trần Thu Hà... Anh từng thành lập câu lạc bộ jazz Sax n' Art tại TP HCM, làm giám khảo cuộc thi Vietnam Idol 2008. Nghệ sĩ ra hàng chục album, tiêu biểu như Độc tấu Saxophone Trần Mạnh Tuấn (1997), Lời ru mắt em - chung với Vũ Quang Trung, Trần Thu Hà và Bằng Kiều (2000), Biển khát (2001), Hạ trắng (2002), Về quê (2003), Ru ta ngậm ngùi (2009)...
Trần Tiến sinh năm 1947, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, ông làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học nhạc, ông là ca sĩ đơn ca của đoàn. Năm 1971 đến 1978, ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng. Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước (Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát...), khi cổ động cho tinh thần đổi mới (Rock đồng hồ, Trần trụi 87...) và cả dân gian đương đại (Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà...). Ông có công hiện đại hóa nhạc dân gian và sáng tác pop, rock, blue jazz và country Việt.
Tam Kỳ